Cắt giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch để hạn chế thảm họa nóng lên toàn cầu

Thứ năm, 03/12/2020 15:47
(ĐCSVN -Số đặc biệt của Báo cáo Khoảng cách Sản xuất (Production Gap Report) – do các tổ chức nghiên cứu hàng đầu cùng Liên hợp Quốc thực hiện công bố sáng nay (3/12)– đã chỉ ra rằng công cuộc hồi phục hậu COVID-19 đem đến một cơ hội bước ngoặt tiềm năng để các quốc gia thay đổi hướng phát triển, phải tránh mắc kẹt ở các mức sản xuất than, dầu, khí đốt cao hơn quá nhiều so với giới hạn tăng nhiệt độ 1.5 °C.
Ảnh minh họa: tietkiemnangluong.evn.com.vn 

Các quốc gia vẫn lên kế hoạch tăng mức sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ tới, ngay cả khi nghiên cứu chỉ ra rằng thế giới cần phải giảm sản lượng 6% mỗi năm để hạn chế nhiêt độ toàn cầu tăng tối đa ở mức 1.5 °C, theo Production Gap Report 2020.

Báo cáo đầu tiên được ra mắt vào năm 2019, đo lường khoảng chênh lệch giữa các mục tiêu đặt ra của Thỏa thuận Paris với kế hoạch sản xuất than, dầu và khí đốt của các quốc gia. Báo cáo chỉ ra rằng "khoảng cách sản xuất" này vẫn còn lớn: các quốc gia có kế hoạch sản xuất lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 nhiều hơn gấp đôi so với mức giới hạn duy trì nhiệt độ trái đất nóng lên 1.5 °C.

Số đặc biệt của báo cáo năm nay xem xét tác động của đại dịch COVID-19 - cũng như các biện pháp kích thích và phục hồi của Chính phủ đối với sản xuất than, dầu và khí đốt. Đại dịch đem đến một bước ngoặt tiềm năng, khi thúc đẩy Chính phủ các nước triển khai hành động chưa từng có, và khi các nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không.

“Những đám cháy rừng, lũ lụt và hạn hán tàn khốc năm nay và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang diễn ra là những lời nhắc nhở mạnh mẽ lý do tại sao chúng ta phải giải quyết thành công cuộc khủng hoảng khí hậu. Khi chúng ta tìm cách tái khởi động các nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đầu tư vào năng lượng carbon thấp và cơ sở hạ tầng sẽ có tác dụng tích cực cho việc làm, cho nền kinh tế, cho sức khỏe và cho bầu không khí sạch”,  Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết. “Chính phủ các nước phải nắm lấy cơ hội này để dịch chuyển nền kinh tế và hệ thống năng lượng của mình ra xa khỏi nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tái thiết đất nước tốt hơn để hướng tới một tương lai bền vững và ổn định hơn.”

Báo cáo do Viện Môi trường Stockholm (SEI), Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD), Viện Phát triển Nước ngoài, E3G và UNEP thực hiện. Hàng chục nhà nghiên cứu đã tham gia đánh giá và phân tích, bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khác.

“Nghiên cứu chỉ ra rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng nếu các quốc gia tiếp tục sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở mức hiện nay, chứ đừng nói đến mức tăng theo kế hoạch của họ”, Michael Lazarus, tác giả chính của báo cáo và là giám đốc của Trung tâm SEI Hoa Kỳ cho biết. “Tương tự, nghiên cứu cũng chỉ rõ ra giải pháp, gồm:  những chính sách của Chính phủ làm giảm cả cung và cầu cung nhiên liệu hóa thạch đồng thời hỗ trợ những cộng đồng hiện đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Báo cáo cũng đưa ra các bước cụ thể mà các Chính phủ có thể thực hiện ngay từ hôm nay để chuyển đổi sang nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch."

Những phát hiện chính của báo cáo bao gồm: Để đi theo lộ trình nhất quán với mục tiêu 1,5°C, thế giới sẽ cần cắt giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch khoảng 6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030. Nhưng ngược lại, các quốc gia trên thực tế đang lập kế hoạch và dự báo mức tăng trung bình hằng năm là 2%, tức là vào năm 2030 mức sản xuất sẽ tăng hơn gấp đôi mức giới hạn nhiệt độ nóng lên 1,5 °C.

Từ năm 2020 đến năm 2030, sản lượng than, dầu và khí đốt toàn cầu sẽ phải giảm hằng năm lần lượt là 11%, 4% và 3% để đi đúng với lộ trình 1,5 °C.

Đại dịch COVID-19, và các biện pháp "lệnh đóng cửa" để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã dẫn đến sản lượng than, dầu và khí đốt sụt giảm ngắn hạn vào năm 2020. Nhưng các kế hoạch trước COVID và các biện pháp kích thích sau COVID vẫn tiếp tục nới rộng khoảng chênh lệch giữa sản xuất nhiên liệu hóa thạch toàn cầu với mục tiêu, có nguy cơ gây ra khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng.

Cho đến nay, Chính phủ các nước G20 đã cam kết chi hơn 230 tỷ USD để thực hiện các biện pháp ứng phó COVID-19 dành cho các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhiều hơn so với mức chi cho năng lượng sạch (khoảng 150 tỷ  USD). Các nhà hoạch định chính sách phải đảo ngược xu hướng này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

"Cú sốc nhu cầu do đại dịch gây ra và giá dầu lao dốc trong năm nay một lần nữa cho thấy bản chất dễ tổn thương của nhiều khu vực và cộng đồng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cách duy nhất để thoát khỏi cái bẫy này là đa dạng hóa nền kinh tế ở những khu vực này ra ngoài ngành nhiên liệu hóa thạch. Nhưng thật đáng tiếc, năm 2020 chúng ta lại chứng kiến Chính phủ nhiều nước tăng gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch và đào sâu hơn những điểm dễ tổn thương này”, Ivetta Gerasimchuk, tác giả chính của báo cáo và là trưởng nhóm cung cấp năng lượng bền vững tại IISD cho biết. Thay vào đó, Chính phủ các nước nên hướng các quỹ phục hồi vào những kế hoạch đa dạng hóa kinh tế và chuyển đổi sang năng lượng sạch giúp mang lại nhiều tiềm năng kinh tế và nhiều việc làm dài hạn hơn. Đây có thể là một trong những bước đi nhiều thách thức nhất của thế kỷ 21, nhưng nó hết sức cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Báo cáo cũng đi sâu vào những giải pháp để thế giới có thể dịch chuyển công bằng khỏi nhiên liệu hóa thạch, trong đó nhóm cần cắt giảm nhanh nhất sẽ là các quốc gia có năng lực tài chính, thể chế tốt hơn và ít phụ thuộc hơn vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Một số nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới như Australia, Canada và Mỹ, hiện lại nằm trong số những quốc gia đang tiếp tục thúc đẩy mở rộng nguồn cung nhiên liệu hóa thạch.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và năng lực còn hạn chế sẽ cần nguồn hỗ trợ quốc tế để thực hiện chuyển đổi công bằng, và báo cáo cũng đề xuất những cách thức để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phối hợp này.

“Để cắt giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch ở mức phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris đòi hỏi phải có cả hợp tác và hỗ trợ quốc tế”, Cleo Verkuijl, nhà nghiên cứu của SEI, tác giả dẫn đầu của báo cáo, cho biết. Khi các quốc gia đề xuất những cam kết khí hậu tham vọng hơn cho tiến trình khí hậu của Liên hợp quốc trước thềm Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 ở Glasgow, họ có cơ hội kết hợp các mục tiêu và biện pháp giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch này vào trong những kế hoạch chính sách của mình, hoặc vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của họ.

Báo cáo nêu cụ thể sáu lĩnh vực để triển khai hành động, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các lựa chọn để bắt đầu cắt giảm nhiên liệu hóa thạch khi thực hiện các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19. Trong đó, họ có thể giảm hỗ trợ chính phủ hiện tại cho nhiên liệu hóa thạch, ban hành các biện pháp hạn chế sản xuất nguồn năng lượng này và đảm bảo các quỹ kích thích chuyển sang đầu tư xanh (đồng thời gắn tất cả các nguồn hỗ trợ dành cho ngành phát thải carbon cao với những điều kiện nhất định để đảm bảo trong dài hạn vẫn có thể thực hiện các mục tiêu khí hậu).

“Báo cáo này đã nêu bật sức ảnh hưởng của hành động chính phủ, trong nhiều trường hợp, nó có nguy cơ trói chặt chúng ta vào con đường nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời báo cáo cũng đưa ra giải pháp thay thế và những dẫn chứng cụ thể để thoát khỏi sản xuất than, dầu và khí đốt”,Giám đốc điều hành SEI, Måns Nilsson cho biết.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực