|
|
Ban Tổ chức công bố 2 bộ hình ảnh truyền thông mới nhằm chấm dứt việc sử dụng trái phép sừng tê giác tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Chính) |
Chiều 18/12, tại Hà Nội, Chương trình Động vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố 2 bộ hình ảnh và thông điệp truyền thông mới nhằm chấm dứt việc sử dụng trái phép sừng tê giác tại Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Sáng kiến Chí" giai đoạn III – chiến dịch tiếp thị xã hội giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác và các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác của nhóm đối tượng doanh nhân.
Bà Christne Gandomi, Phó Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã châu Á (USAID) cho biết, tình trạng buôn bán động vật hoang dã đang xảy ra ở một số nước trên thế giới, bởi hình phạt cho tội phạm này ở một số quốc gia rất thấp, mặt khác lợi nhuận từ việc buôn bán trái phép này cao nên việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã có chiều hướng ngày càng gia tăng. Việt Nam được biết đến là thị trường trung chuyển và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã bị buôn bán trái phép. Do vậy, việc giảm nhu cầu sử dụng trong nước đối với các sản phẩm này là một trong những chìa khóa quyết định góp phần giảm thiểu các hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Theo bà Christne Gandomi, thị trường Việt Nam sử dụng sừng tê giác và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác vào hai mục đích chính: chữa bệnh và thể hiện đẳng cấp. Vì vậy, 2 bộ hình ảnh và thông điệp truyền thông thay đổi hành vi của "Sáng kiến Chí" Giai đoạn III hướng đến việc khuyến khích người sử dụng xóa bỏ những niềm tin sai lầm về tác dụng của sừng tê giác và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác.
Theo đó, hình ảnh đầu tiên truyền tải thông điệp nhấn mạnh sức khỏe và sự dẻo dai của người đàn ông đến từ lòng quyết tâm, sự kiên nhẫn và tinh thần tập luyện thể dục thể thao, chứ không đến từ động vật hoang dã trái phép.
Hình ảnh thứ hai khẳng định việc liên quan đến các hành vi buôn bán và sử dụng động vật hoang dã để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh là đi ngược lại với các chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, doanh nhân hay doanh nghiệp có liên quan đến các hành vi sử dụng sừng tê giác hay các sản phẩm động vật hoang dã trái phép sẽ phải đối mặt với những rủi ro bao gồm việc mất uy tín và danh tiếng của mình trên trường quốc tế.
“Bộ hình ảnh này đã được thử nghiệm truyền thông trên các nhóm đối tượng đích và sẽ được truyền tải rộng rãi hơn sau buổi lễ công bố ngày hôm nay qua các kênh truyền thông như các ấn phẩm in, bảng biển ngoài trời và mạng xã hội”, bà Christne Gandomi nhấn mạnh.
Theo Chương trình Động vật hoang dã châu Á (USAID), Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và Hội Phật giáo Việt Nam là những đối tác chiến lược của Dự án và đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những hình ảnh và thông điệp này. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng tham gia vào quá trình này nhằm đảm bảo thông điệp truyền thông phù hợp, mang tính tích cực có thể khuyến khích sự thay đổi hành vi. "Sáng kiến Chí" đã kết nối được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong việc bảo vệ động vật hoang dã thông qua việc hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có lồng ghép các hoạt động bảo tồn.
Năm 2014, dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã đã phát động "Sáng kiến Chí" nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác của nhóm đối tượng doanh nhân có độ tuổi 35-55. Sáng kiến này được kết nối với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong việc bảo vệ động vật hoang dã thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng những chính sách trách nhiệm xã hội thông qua việc lồng ghép các hoạt động bảo tồn.
Chương trình Động vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ là hoạt động hỗ trợ các giải pháp phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới, với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; nâng cao kiến thức luật pháp và các nghiên cứu về luật; cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á. Các hoạt động của Chương trình tập trung vào 4 loài động vật hoang dã bao gồm voi, tê giác, hổ và tê tê.
|