Chia sẻ về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ

Thứ hai, 02/10/2023 21:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Khẳng định tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đối với trẻ em, các chuyên gia về dinh dưỡng của Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều chia sẻ bổ ích về vấn đề này.

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ từ khi thụ thai đến trên hai tuổi

Chia sẻ bên lề Hội thảo chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản về dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời diễn ra tại Hà Nội ngày 30/9, PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của dinh dưỡng những ngày đầu đời đối với trẻ.

 PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Q.A)

PGS.TS.Trần Minh Điển cho rằng: Thời gian khi trẻ hình thành trong bụng mẹ là giai đoạn đầu đời rất quan trọng để phát triển các cơ quan, đặc biệt là não bộ. Không chỉ vậy, để đảm bảo thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ từ khi thụ thai đến trên hai tuổi là việc rất quan trọng. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ, việc nuôi con bằng sữa mẹ trong giai đoạn từ 12-18 tháng đầu đời là rất quan trọng. Song song với đó là việc trẻ nhỏ ăn đa dạng theo từng giai đoạn trong 1.000 ngày đầu đời sẽ giúp cho trẻ em phát triển toàn diện hơn, thông minh hơn.

Về thực hành dinh dưỡng thì các bà mẹ cần có khẩu phần dinh dưỡng phù hợp để cung cấp đủ dưỡng chất cho cả bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, bà mẹ cần có chế độ ăn phong phú để đảm bảo hấp thụ đủ các loại dưỡng chất từ thực phẩm như chất béo, chất đạm, chất bột, vitamin và dưỡng chất. Việc phát triển các chức năng của trẻ nhỏ trong quá trình thai kì phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của bà mẹ mang thai. Vì vậy, theo PGS.TS.Trần Minh Điển, các bà mẹ cần chú ý không nên chỉ ăn một món hoặc chỉ tập trung vào một nhóm dưỡng chất.

PGS.TS.Trần Minh Điển nhấn mạnh rằng, sau khi trẻ nhỏ ra đời thì dinh dưỡng cần phân theo từng giai đoạn sẽ giúp trẻ nhỏ phát triển phù hợp. 6 tháng đầu tiên là thời kỳ cần nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ, để cung cấp dưỡng chất và kháng thể tốt nhất cho trẻ. Sau đó trẻ có thể ăn bổ sung một số các loại thức ăn phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ như bột dinh dưỡng. Từ 6 đến 18 tháng trẻ cần bổ sung thức ăn thô cùng với sữa mẹ. Trong thời gian này những thức ăn sẵn có tại địa phương (Local foods) cũng là một nguồn thực phẩm tươi cung cấp dinh dưỡng tốt cho trẻ. Ngoài ra thì các bà mẹ tại thành phố không có nhiều thời gian để nấu ăn cho bé cũng có thể tham khảo thêm một số các loại sản phẩm chế biến sẵn theo giai đoạn của các nhãn hàng đã nghiên cứu dành riêng cho trẻ em.

Bộ Y tế Việt Nam đã có những chương trình hướng dẫn về thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai... Nhưng trên thực tế việc thực hiện theo hướng dẫn vẫn còn rất nhiều bất cập. Vì vậy để đảm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, chính phủ đã và đang hoàn thiện các hướng dẫn, chính sách và khuyến nghị cho trẻ em và phụ nữ. Các cơ quan truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các hướng dẫn tới cộng đồng.

Chú trọng đến cách trẻ nhỏ ăn uống chủ động

Bên lề hội thảo, ông Kastuaki Ishi - Chuyên gia cấp cao về dinh dưỡng trẻ em, Công ty cổ phần Asahi Group Foods (Nhật Bản) cho biết: Nhật Bản có hướng dẫn dành cho phụ nữ mang thai và về thức ăn cho trẻ nhỏ. Trong đó, hướng dẫn dành cho phụ nữ mang thai cụ thể như sau: “Một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm ba loại thức ăn trong một bữa: 01 món thực phẩm chính (cơm, bún, miến phở...), món thức ăn chính và một món thức ăn phụ”. Theo ông, các hướng dẫn chuyên ngành về cân bằng chỉ số dinh dưỡng thường rất khó hiểu, nhưng bằng hướng dẫn này của Nhật Bản các bà mẹ sẽ rất dễ hiểu và có thể tự lên thực đơn phù hợp cho bản thân.

Đại diện Công ty cổ phần Asahi Group Foods trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo. (Ảnh: Q.A)

Về hướng dẫn ăn dặm cho trẻ nhỏ, theo ông Kastuaki Ishi, Nhật Bản không chỉ chú trọng đến dinh dưỡng mà còn chú trọng đến cách trẻ nhỏ ăn uống chủ động, việc cho trẻ ăn uống phải đi kèm theo sự phát triển của chức năng ăn nhai.

Nói thêm về điều này, bác sĩ Fumiyo Tamura - Trường Đại học Nha khoa Nippon, Nhật Bản cho rằng, nhai kỹ giúp kích thích phát triển não bộ ở trẻ, tăng lưu lượng máu não, làm tiết nước bọt, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Tại Nhật Bản, vấn đề giáo dục ăn uống rất được chú trọng. Trong đó, mục tiêu của giáo dục ăn uống là tăng tỉ lệ người dân ăn chậm, nhai kỹ.

"Việc nhai kỹ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu cũng cho thấy kỹ năng nhai giúp phát triển mạng lưới thần kinh của não ở trẻ nhỏ. Nhai kỹ giúp kích thích tiết nước bọt, tăng lưu lượng máu não, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Đây là kỹ năng không chỉ giúp ích cho sự phát triển của trẻ nhỏ mà người lớn cũng cần rèn luyện kỹ năng này”, bác sĩ Fumiyo Tamura cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hiroshi Kawahara - Giám đốc đại diện Asahi Group Foods cho biết: “Chúng tôi nghĩ trẻ em và phụ nữ mang thai ở mỗi nước có một thể trạng khác nhau nên đối với hướng dẫn của Nhật Bản thì có thể đây sẽ là một trong những tham khảo đối với Việt Nam. Vì vậy các chuyên gia Việt Nam cần căn cứ vào thực trạng và đưa ra những hướng dẫn phù hợp với người dân Việt Nam. Căn cứ theo hướng dẫn của chính phủ và các chuyên gia chúng tôi mong muốn sẽ cũng cấp các thực phẩm ăn dặm phù hợp cho thị trường Việt Nam”./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực