Chính phủ đề nghị kéo dài chính sách đặc biệt, đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19

Thứ hai, 10/10/2022 17:26
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023 một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chiều 10/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Đề nghị tiếp tục được áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách

Báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết này đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao của các cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị, được Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước tích cực ủng hộ và thực hiện. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong áp dụng hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định tại một số khu vực cần thiết; tổ chức các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội trong vùng có dịch, sử dụng các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn kịp thời sụ lây lan của dịch bệnh...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) 

Tuy nhiên Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, công tác chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động, có lúc nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Công tác dự báo có lúc chưa sát thực tiễn. Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng một số nơi chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu do Chính phủ yêu cầu. Tại một số nơi, một số thời điểm, người dân tại nhà khó tiếp cận thuốc điều trị COVID-19. Một số địa phương chưa chủ động, kịp thời thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc. Một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn. 

Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31/12/2023.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.

Đề nghị cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật vê bảo hiêm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ôn định quyên lợi của người bệnh.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn, hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh tữa bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.

Dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.

Không chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, trong đó có cơ chế đặc biệt đặc thù, đặc cách, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều hành, đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch COVID-19 đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) 

Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh - đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ còn chưa cụ thể, thiên về định tính, chưa có số liệu, địa chỉ cụ thể. Nội dung Báo cáo mặc dù cơ bản bám sát các chính sách được giao trong Nghị quyết 30, nhưng cần đánh giá sâu hơn, mở rộng hơn để thấy rõ tác động của Nghị quyết 30 không chỉ đến việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong đại dịch mà còn có tác động đến việc ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch cũng như phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch... 

Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã đạt được, khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội nói chung, cho y tế nói riêng; quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế trong quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình chung của thế giới và bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước; rà soát các quy định bất cập liên quan đến công tác phòng, chống dịch làm căn cứ hoàn thiện chính sách pháp luật về y tế, an sinh xã hội, nhất là khắc phục các hạn chế, vướng mắc liên quan đến mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế để không làm ảnh hưởng đến công tác khám bệnh; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương; khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19...

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì đến nay vẫn còn một số vấn đề như thiếu thuốc, vật tư y tế, cán bộ, nhân viên ngành y tế nghỉ việc nhiều do nhiều nguyên nhân...cần được quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, sẽ có làm việc phối hợp với các cơ quan để tính toán đưa vào những quy định đặc thù bảo đảm đấu thầu hiệu quả nhất là trong lĩnh vực y tế.

Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường kiến nghị trong thời gian tới, trong phòng chống dịch bệnh không chủ quan, kiến nghị dành nguồn nhân lực, tài lực vật lực để ứng phó kịp thời những vấn đề có thể phát sinh. Đồng thời, ngành y tế chủ động báo cáo Chính phủ và các địa phương không lãng phí nguồn vaccine, có giải pháp để người dân yên tâm thực hiện tiêm vaccine các mũi tăng cường.

Tham gia phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị báo cáo cần làm rõ nét sự cống hiến của lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, dân phòng trong phòng, chống dịch bệnh. Những đóng góp thầm lặng này đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tuy nhiên, chưa được thể hiện rõ trong báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần làm rõ nét nội dung này trong báo cáo.

Ngoài ra, về bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cần bổ sung kinh nghiệm về đảm bảo độc lập, chủ quyền, an ninh trật tự trong điều kiện khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, để góp phần thực hiện các chính sách khác đạt hiệu quả cao.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực