Dịch sẽ tiếp tục kéo dài, xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng
Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác, tuy nhiên tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
|
Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Tuấn Dũng) |
Tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch với lãnh đạo sở y tế các địa phương chiều 19/8, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, Quyền Bộ trưởng cho rằng vấn đề đặt ra là các địa phương phải làm gì khi dịch bệnh xảy ra. Thực tế, nhiều địa phương còn lúng túng trong cách xử lý. Đó là lý do Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung ương hỗ trợ các địa phương.
“Khi xảy ra dịch ở các địa phương khác sẽ không kém phần như Đà Nẵng. Đà Nẵng là một ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng khổng thể cấp cứu mà phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Vậy nếu dịch xảy ra tại một tỉnh miền núi thì sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên mà sẵn sàng có dịch”- Quyền Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Thanh Long cho hay chúng ta đang tìm mọi phương pháp để tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Thời gian dự kiến sớm nhất là 6 tháng cuối năm 2021 vaccine có thể đến với người dân. Vì vậy, người dân cần sẵn sàng chiến đấu với dịch. Các địa phương phải chuẩn bị cho tâm thế dịch sẽ kéo dài, nếu không có vaccine, cuộc chiến chống dịch rất khó khăn.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương chủ động chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Trung ương sẽ hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm và thực hiện sàng lọc theo đúng quy định để được bảo hiểm y tế thanh toán. Tuy nhiên, việc sàng lọc trong cộng đồng sẽ không được thanh toán.
Về vấn đề trang thiết bị phòng hộ cho chống dịch, các tỉnh, thành phải đảm bảo giường cấp cứu, nhân lực. Trường hợp khoa chạy thận nhân tạo có bệnh nhân phải lập tức tách những người đang điều trị đến khu vực khác. Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh các cơ sở y tế tuyệt đối không được chủ quan.
Theo Quyền Bộ trưởng Y tế, đến nay, cả nước có khoảng 150 ổ dịch. Ngành y tế đã có nhiều bài học trong phòng, chống dịch như chần chừ sẽ rất nguy hiểm, phải truy tìm, cách ly nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng. Tiếp theo, các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó để tránh trường hợp phong tỏa một loạt bệnh viện sẽ khó khăn trong điều trị người dân cần cấp cứu; phải tính sẵn phương án các bệnh viện sẽ hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong tình huống trên địa bàn có cơ sở y tế bị "đóng băng". Do đó, địa phương phải rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm..., trong đó có vấn đề tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu... và cả vấn đề bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết…
"Chúng ta phải bảo vệ điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, chạy thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế. Chúng ta không được nghĩ bệnh viện ngoại khoa, chuyên khoa đặc biệt sẽ không có COVID-19, phải sẵn sàng tâm thế chống dịch”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt,... nếu không báo cho cơ sở y tế thì yêu cầu xử lý nghiêm. Đối với các bệnh viện, nếu để tình trạng bệnh nhân nghi ngờ “lọt” thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Trong đợt dịch bùng phát mới đây, Đà Nẵng có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất cả nước, tiếp theo là Quảng Nam. Ngoài ra, các tỉnh, thành khác có dịch là TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đồng Nai, Hà Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hải Dương, Hà Nội.
Truy vết và điều trị - hai mũi giáp công
Bộ Y tế xác định tập trung nguồn lực truy vết để phát hiện sớm người bệnh, hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời điều trị sớm, hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do COVID-19, đó là hai mũi giáp công cần được thực hiện để hạn chế thấp nhất những tác động mà dịch gây ra.
|
Theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19. (Ảnh: Tuấn Dũng) |
Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện tại COVID-19 chưa có vacine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền, để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.
F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.
Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch, chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng đó là “phát hiện, phát hiện và phát hiện; cách ly, cách ly và cách ly”. Muốn phát hiện sớm, không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Một cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là truy vết. Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. Như đã phân tích, F1 tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng thì F1 nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán vi-rút. Khi đó, dịch sẽ rất khó ngăn chặn.
PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, do là người bệnh tiềm tàng nên Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra), nguy cơ phát tán vi-rút sẽ rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1 phải cách ly bắt buộc tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung. Đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân.
So với đợt dịch COID-19 đầu năm, đợt dịch này có nhiều khác biệt. Dịch “tấn công” vào bệnh viện mà trực tiếp là các khoa có nhiều người mắc bệnh nền (thận nhân tạo, tim mạch, hồi sức tích cực)… Những người mắc các bệnh nền đã bị giảm miễn dịch và với việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây là một cơ hội làm tình trạng bệnh trở nặng rất nhanh. Mặc dù các bác sĩ, kể cả có sự hỗ trợ của những chuyên gia hàng đầu cả nước nhưng đến nay đã có tới 25 người tử vong.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết: Những người bệnh được chúng tôi đánh giá nguy hiểm nhất là các trường hợp có bệnh lý nền nặng, đặc biệt là các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch ở cơ thể. Bên cạnh đó, những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho vi-rút xâm nhập. Trước những thay đổi đó, phác đồ điều trị COVID-19 từ giai đoạn một đến nay đã được các chuyên gia, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉnh sửa 6 lần.
Quá trình điều trị thực tế cho những người bệnh tại các bệnh viện: Phổi Đà Nẵng, Đa khoa Trung ương Huế, Trung ương Quảng Nam… các bác sĩ cho rằng không để tình trạng COVID-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận./.