Làm việc xuyên Tết
Tết đến Xuân về là dịp gia đình đoàn tụ, bạn bè lâu ngày gặp gỡ, cũng là thời điểm mọi người dễ gặp các vấn đề về sức khỏe do lịch sinh hoạt, ăn uống bị đảo lộn. Thêm vào đó, dịp Tết, nhu cầu đi lại, tình trạng lạm dụng rượu, bia của người dân gia tăng, kéo theo là các ca tai nạn giao thông phải nhập viện cũng tăng lên. Bởi vậy, càng gần ngày Tết, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế càng nhiều hơn và áp lực hơn ngày thường.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng lịch trực đầy đủ theo 4 cấp: Lãnh đạo, chuyên môn, hành chính - hậu cần và bảo vệ. Bệnh viện cũng đã tiến hành rà soát các điều kiện về nhân lực và vật lực, sẵn sàng thu dung, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn, cấp cứu hàng loạt.
|
Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn túc trực để tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi cấp cứu.
(Ảnh: Xuân Lộc)
|
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng trực cấp cứu được tăng cường và tập trung cao độ nhất ở một số khoa, trung tâm có xu hướng tăng bệnh nhân, như: Trung tâm cấp cứu A9, trung tâm đột quỵ, trung tâm chống độc, tim mạch, truyền nhiễm…
Liên quan đến công tác chuẩn bị khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán, TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, trong dịp này Bệnh viện đã lên kế hoạch trực Tết 4 cấp; Kết hợp với các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm tặng quà cho người bệnh; Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện chăm lo đời sống cho cán bộ viên chức, người lao động Tết đủ đầy, sum vầy và hạnh phúc.
Không chỉ sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị cấp cứu người bệnh, thời điểm giáp Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương còn tổ chức nhiều hoạt động hiến máu tình nguyện. Bởi, những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu về máu trong điều trị và khám, chữa bệnh tăng cao ở các cơ sở y tế; trong đó, nhóm máu thường xuyên cần tiếp nhận là nhóm máu O và A. Để có nguồn máu dự trữ, sẵn sàng phục vụ người bệnh trong những ngày nghỉ Tết, nhiều hoạt động hiến máu tình nguyện đã diễn ra và thu hút được đông đảo người dân tham gia. Chính vì vậy, dịp Tết năm nay không còn tái diễn cảnh thiếu máu như mọi năm.
Trước đó, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Nguyễn Hà Thanh cho biết, dự kiến cần ít nhất 45.000-50.000 đơn vị máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Vì vậy, Viện mong muốn những người đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu toàn phần và đặc biệt là hiến tiểu cầu. Như vậy, không chỉ sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị cấp cứu người bệnh cho thời điểm giáp Tết, công tác chuẩn bị nguồn máu cũng sẵn sàng cung ứng cho mọi trường hợp cấp cứu đột xuất, kể cả nhu cầu điều trị cơ bản xuyên Tết.
Ông Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, nhiều năm qua vào những ngày lễ Tết, nhất là Tết Nguyên đán, số lượng cuộc gọi cấp cứu tăng lên từ 20% đến 40%. Thông thường, từ 20h ngày 30 Tết đến 5h sáng mùng Một Tết là thời điểm Trung tâm luôn trong tình trạng quá tải. Do đó, những ngày nghỉ Tết, Trung tâm phải bố trí lực lượng tăng cường, bảo đảm 15 xe chuyên dụng hoạt động liên tục, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân…
Hằng ngày, Trung tâm cũng bố trí nhân viên Phòng Điều phối để tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi cấp cứu và tư vấn cho người dân một số vấn đề về sức khỏe hoặc hướng dẫn sơ cứu khi chờ xe cấp cứu tới.
Không để thiếu thuốc và từ chối cấp cứu
Nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Chỉ thị các đơn vị ngành y tế tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chỉ thị nêu rõ: Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành cần xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2023; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo đơn vị, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, các điều kiện cần thiết để các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và cán bộ y tế công tác tại đơn vị…
Để đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ban hành công văn gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc Trường Đại học; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, Ngành đề nghị các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt các công việc bao gồm đảm bảo thường trực 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính- hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Cục cũng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch về phòng chống cháy, nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Ngoài ra, các đơn vị chủ động đối phó với dịch bệnh, đặc biệt dịch COVID-19; Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và ngành y tế về phòng chống dịch COVID-19; Xây dựng phương án thường trực thu dung, điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.
|
Các cơ sở y tế sẵn sàng phương án cấp cứu, điều trị người bệnh trong dịp Tết. (Ảnh: TL)
|
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cung cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Các đơn vị đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.
Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Ngoài ra, các bệnh viện tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách; Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã; Thực hiện đúng quy dịnh liên quan và các quy dịnh chuyên môn kỹ thuật.
Các đơn vị có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; Cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết như thảm hoạ do tạp trung đông người tại các sự kiện và điểm du lịch, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm; Có phương án cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xảy ra…
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội bố trí 165 điểm bán thuốc (tăng gấp đôi so với dịp Tết năm 2022), trong đó có 38 nhà thuốc trong các bệnh viện và 127 nhà thuốc, quầy thuốc tại các quận, huyện, thị xã.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở yêu cầu các bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh thuốc không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết Nguyên đán. Các bệnh viện phải bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn, nhất là hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa.
Dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm nay diễn ra trong bối cảnh vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, CDC Hà Nội đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát và giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài…, nhằm phát hiện sớm ca bệnh, từ đó đánh giá về tình hình dịch để triển khai các biện pháp ứng phó…
|