Cơ sở giáo dục mầm non quá tải kéo dài
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Trong thời gian qua, tại huyện Côn Đảo, chất lượng giáo dục luôn được chú trọng nâng cao, đặc biệt là giáo dục mầm non. Toàn huyện hiện có 2 trường mầm non (Hướng Dương và Tuổi Thơ), được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 giai đoạn 2014- 2019. Việc lồng ghép các nội dung giáo dục phát triển vận động, giáo dục lễ giáo, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, các kỹ năng sống vào hoạt động hàng ngày của trẻ thực hiện có hiệu quả…
Đáng mừng, Côn Đảo là một trong những huyện đạt tỷ lệ huy động các cháu vào nhà trẻ và vào mẫu giáo cao nhất cả nước với tỷ lệ lần lượt là 75,7% và 92,5%, trong đó trẻ 5 tuổi là 100%.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp hiện nay đã quá tải, không đáp ứng được hết nhu cầu người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là cấp mầm non. Mặc dù hiện nay, Trường mầm non Bến Đầm đã được phê duyệt chủ trương xây dựng, nhưng tiến độ triển khai xây mới còn chậm, gặp khó khăn, vướng mắc do vướng đền bù giải tỏa .
Một tiết học của các em lớp 5-6 tuổi A với một cô giáo phải dạy đến gần 20 trẻ. (Ảnh: TH).
Hiện, huyện Côn Đảo có khoảng 7.500 người dân sinh sống, đa số người dân trên địa bàn huyện đến nhiều tỉnh, thành, phần lớn là lao động phổ thông, thời vụ, độ tuổi còn trẻ nơi ở không ổn định. Trong khi đó, công tác xây dựng, mở rộng trường lớp còn chậm, chưa đáp ứng kịp theo nhu cầu.
Từ năm 1998 đến nay, số trẻ của các cấp học luôn tăng cao (từ 1,7-2,9 lần), trong khi hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện chỉ được đầu tư xây mới thêm một trường mầm non 10 nhóm lớp, 2 trường mầm non phải tiếp nhận quá công suất thiết kế hơn 300 trẻ .
Năm học 2016-2017, Phòng GD & ĐT tham mưu UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo 2 trường mầm non cải tạo các phòng chức năng để đáp ứng thêm nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trên địa bàn huyện; tổ chức 35 nhóm, lớp bán trú (tăng 6 nhóm, lớp so với năm học 2015-2016) với tổng số trẻ mầm non là 811 trẻ ( tăng 116 cháu so với năm học 2015-2016). Năm học 2017-2018, số trẻ nhập học tiếp tục tăng thêm 83 trẻ đưa tổng số trẻ mầm non năm học này lên 894 trẻ. Trong khi đó, công suất thiết kế của 2 trường mầm non hiện tại chỉ chứa khoảng 530 em. Thêm vào đó, huyện lại không có cơ sở mầm non tư nhân, vì vậy, khó khăn càng chồng chất khó khăn.
“Hiện, biên chế giáo viên mầm non vẫn còn thiếu 19 chỉ tiêu. Thậm chí, năm học 2016-2017, kế hoạch tuyển dụng giáo viên vẫn chưa được phê duyệt. Theo hướng dẫn của Chính phủ, từ ngày 1/7/2017 không được sử dụng lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp, nên quả thực rất khó khăn”, ông Mạnh chia sẻ.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện Côn Đảo về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, UBND huyện Côn Đảo cũng thừa nhận, tình trạng các cơ sở giáo dục quá tải kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm.
Đến những trăn trở của cô giáo, người dân
Đến thăm Trường mầm non Hướng Dương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ sở vật chất ở đây rất khang trang. Cô Phạm Thị Nhung, Hiệu trưởng cho hay: Trường khang trang là vậy, nhưng hiện chỉ có 10 phòng học được chia thành 16 nhóm, lớp. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường được tiếp nhận 220 em, nhưng hiện nay số trẻ đã là gần 380 trẻ. Năm học vừa qua trường đã phải cải tạo một phòng chức năng (vi tính) thành phòng học.
Về phía UBND huyện rất quan tâm, tạo điều kiện cho người dân sinh sống trên địa bàn, chỉ cần trẻ có hộ khầu tạm trú trên 6 tháng tại huyện là được nhận vào học; miễn học phí học tập và hỗ trợ chi phí học tập gần 200 nghìn đồng/ tháng/trẻ; đây cũng là huyện “đếm trên đầu bàn tay” trên cả nước tuyển sinh trẻ từ 3 tháng tuổi; do đó số lượng trẻ mầm non ngày càng đông cũng là điều dễ hiểu.
Theo Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, thì giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo làm việc 40 giờ/tuần; song trên thực tế các giáo viên tại trường phải làm việc 60-70 giờ/tuần do số trẻ quá đông.
“Không nhận thì dân kêu; có phụ huynh nợ 2-3 tháng tiền học, nhưng chúng tôi rất chia sẻ và thông cảm”, cô Nhung tâm sự.
Cô Nhung cũng cho biết: Mặc dù trường đã tạo mọi điều kiện có thể, tuy nhiên, do điều kiện ở xa đất liền nên việc cử cán bộ giáo viên tham dự các lớp tập huấn, các chuyên đề giáo dục tại tỉnh còn khó khăn, giáo viên không có nhiều điều kiện được học tập các kinh nghiệm, phương pháp, mô hình hay, cách dạy mới. Đây cũng là sự thiệt thòi cho các giáo viên tại huyện đảo này.
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hiền, lớp 5-6 tuổi A, đã tham gia dạy được 14 năm cho hay, lớp cô hiện có 46 cháu, trong đó có 1 cháu khuyết tật (1 trẻ khuyết tật được tính bằng 5 trẻ), trong khi đó theo Điều lệ giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, mỗi lớp độ tuổi này chỉ được nhận tối đa 35 cháu. Như vậy, với 3 cô giáo thì một cô phải quản lý đến 16-17 cháu. Không những thế, tuổi này các em rất hiếu động, không tập trung nghe cô dạy, sơ sẩy một chút là có thể các con đã đánh nhau hay ngã... nên nhiều khi các cô luôn phải căng mình, áp lực trong công việc.
Mặt khác, sĩ số đông nên việc chuẩn bị đồ dùng học tập trực quan rất vất vả, các cô phải tận dụng thời gian tối để làm thêm đồ dùng dạy học. Tại huyện đảo nên trang bị học tập không được đa dạng, tìm kiếm nguyên vật liệu bị hạn chế, dẫn đến việc khó khăn trong dạy và học.
“Để tham gia các lớp tập huấn của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi đi lại vất vả, phần thì đường xá xa xôi, đặc biệt trong những dịp biển động, tàu không hoạt động được thì có khi tập huấn chỉ 1 ngày nhưng phải đi về mất 5-6 ngày, đi máy bay thì nhà trường không có kinh phí; lớp thiếu cô, cho nên nhiều khi phải huy động cả kế toán, văn thư của Trường xuống phụ giúp”, cô Hiền rưng rưng nói.
Phải tận mắt chứng kiến sự trông nom, dạy dỗ của các cô đối với nhóm trẻ 3-12 tháng tuổi mới cảm nhận hết được sự vất vả của các cô tại đây như thế nào!. Lớp có khoảng gần 30 cháu, cháu khóc, cháu ngủ, cháu không ăn, cháu đi vệ sinh…, các cô phải “luôn chân, luôn tay, luôn miệng” thay phiên nhau vừa “dỗ” vừa “dạy”.
Vất vả, khó khăn là thế, nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, trong giọng nói, ánh mắt của các cô vẫn ánh lên đầy nhiệt huyết, niềm đam mê công việc. Đâu đó tôi cũng cảm nhận không ít sự trăn trở, tâm tư. Vậy ai sẽ là người chia sẻ với những khó khăn của các cô lúc này?.
Chia tay các cô, ra về đúng vào giờ tan học, khi cơn mưa vừa đổ xuống, trò chuyện với một phụ huynh nhóm trẻ 3-12 tháng, chị cho biết, nhà chị ở tận Bến Đầm, cách Trường mầm non Hướng Dương khoảng 12km, nên hàng ngày việc đưa đón con đi học rất cực, đặc biệt là những ngày mưa gió. Thương con nhưng để nhà thì không ai trông. Trường cũng không tổ chức trông thêm ngoài giờ nên khi có công việc đôt xuất, gia đình không biết gửi con cho ai...
"Tôi ước gì Trường mầm non Bến Đầm sẽ được hoàn thành xong sớm để chúng tôi và các con đi học đỡ vất vả".
Trở về đất liền, trong chúng tôi vẫn đọng lại rất nhiều cảm xúc trước sự nhiệt huyết và cả khó khăn, thiệt thòi của những giáo viên, trẻ em nơi đây. Bao giờ các cơ sở giáo dục mầm non ở Côn Đảo mới hết quá tải vẫn là câu hỏi đầy trăn trở ở phía trước?.
Mong rằng, với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo, chỉ một vài năm nữa thôi, Côn Đảo sẽ không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách mà còn là nơi thu hút nhiều người dân, con em trên các địa phương trên cả nước đến sinh sống, học tập với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn; để các em và các thầy cô nơi đây được hưởng điều kiện dạy và học tập tốt hơn…/.