Diễn đàn đã thu hút gần 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh Diễn đàn Việt Nam và thế giới 2020. Ảnh: VA |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây chắc chắn là biến cố nổi bật và bao trùm nhất. Tính đến hết ngày 17/12 đã có trên 75 triệu người bị lây nhiễm, trong đó có hơn 1,66 triệu người tử vong, làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên toàn cầu.
“Rõ ràng là một biến cố địa phương đã lây lan ra khắp thế giới, một thảm họa về y tế đã dẫn đến suy thoái trầm trọng về kinh tế, đe dọa nền chính trị và an ninh quốc tế. Ngay cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vô tiền khoáng hậu vừa qua cũng được cho là chịu tác động rất lớn nếu không nói là quyết định từ đại dịch này”- TS Đặng Xuân Thành bày tỏ.
TS Đặng Xuân Thành đặt vấn đề, vậy nguyên nhân cơ bản nào đã đưa thế giới đến thảm họa y tế tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua? Tại sao hầu hết các quốc gia phát triển có nền y học và hệ thống y tế tiên tiến đều thất bại, còn cộng đồng quốc tế thì bất lực trong ngăn chặn đại dịch? Liệu kinh tế thế giới có phục hồi trong năm 2021 hay sẽ suy thoái trầm trọng hơn? Thế giới hậu COVID-19 sẽ đi về đâu? Cán cân quyền lực thế giới và khu vực chuyển dịch như thế nào sau cú sốc COVID-19…
TS Xuân Thành cho rằng đối với một biến cố có quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để những câu hỏi trên và còn nhiều câu hỏi khác nữa có được câu trả lời thỏa đáng.
Tại Diễn đàn này, các đại biểu đã tập trung trao đổi theo nhóm vấn đề như: Tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình chính trị - kinh tế, an ninh, xã hội, ngoại giao và quan hệ quốc tế trên thế giới; Tác động của đại dịch COVID-19 đối với một số khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á, châu Âu và một số nước điển hình trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, các nước châu Âu, châu Phi; Kinh nghiệm quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19; Phản ứng chính sách của Việt Nam trước những biến đổi của thế giới trong, sau đại dịch COVID-19.
Đề cập đến vấn đề thương mại và đầu tư toàn cầu dưới tác động của đại dịch COVID-19, GS.TS Đặng Nguyên Anh chỉ rõ, cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Hai cuộc khủng hoảng này giống nhau ở một số khía cạnh nhưng rất khác ở những khía cạnh khác. Nếu như trong năm 2008-2009, các Chính phủ đã can thiệp bằng chính sách tiền tệ và tài khóa để chống suy thoái và hỗ trợ thu nhập tạm thời cho các doanh nghiệp và hộ gia đình thì đối với khủng hoảng COVID-19 lần này, những hạn chế về đi lại và giãn cách xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh đã làm cho nguồn cung lao động, việc làm, giao thông – vận tải bị ảnh hưởng trực tiếp. Thêm nữa, các ngành dịch vụ bị đóng cửa, bao gồm khách sạn, nhà hàng, thương mại bán lẻ, du lịch, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và một phần đáng kể cơ sở sản xuất bị đình trệ.
GS.TS Đặng Nguyên Anh cho hay, kinh nghiệm cho thấy từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thương mại không bao giờ quay trở lại xu hướng trước đó. Khả năng phục hồi mạnh mẽ sẽ cao hơn nếu đại dịch chỉ là một cú sốc tạm thời và sớm được kiểm soát. Trong trường hợp này, thương mại có thể sớm hồi phục. Mặt khác, nếu dịch bệnh kéo dài và lan rộng, các hộ gia đình và doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Sản xuất, thương mại và tiêu dùng đều bị ảnh hưởng kéo dài.
Nhận diện cục diện thế giới hậu COVID-19, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ để lại những hậu quả rất to lớn với thế giới. Cùng với những tác động về dịch tễ và y tế, các ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu sẽ rất sâu sắc. Rất khó đoán định về một tương lai của thế giới, nhưng một điều chắc chắn là thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới thiếu ổn định, gia tăng căng thẳng và xu thế hợp tác phát triển và quản trị toàn cầu sẽ khó khăn hơn../.