Đảm bảo vai trò "người gác cổng" của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế

Thứ năm, 27/07/2023 10:28
(ĐCSVN) - Mạng lưới y tế cơ sở là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế, đảm nhận vai trò là tuyến đầu trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, là cơ sở gần dân nhất, tiếp cận, chăm sóc cho phần lớn dân cư tại cộng đồng, phát hiện sớm và giải quyết đến 80% bệnh tật ngay tại cộng đồng.

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội dành một ngày làm việc để thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Y tế cơ sở bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) 

Đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh, từ lý luận và thực tiễn đều thống nhất nhận định mạng lưới y tế cơ sở là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế, đảm nhận vai trò là tuyến đầu trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, là cơ sở gần dân nhất, tiếp cận, chăm sóc cho phần lớn dân cư tại cộng đồng, phát hiện sớm và giải quyết đến 80% bệnh tật ngay tại cộng đồng. Bên cạnh đó, y tế dự phòng là một lĩnh vực chuyên ngành về phòng ngừa bệnh tật, phòng, chống dịch bệnh từ sớm và trong giai đoạn COVID-19 hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã thể hiện rõ vai trò quan trọng, cần thiết và trở thành mắt xích then chốt, là lực lượng chính trong toàn bộ hành trình để kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch COVID-19. Nhưng cũng chính trong thời gian đối mặt với đại dịch COVID-19 thì hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng lại bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. 

Theo đại biểu, tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa ổn định, trong 10 năm thay đổi 3 mô hình hoạt động quản lý. Với nhiệm vụ y tế cơ sở và y tế dự phòng ngày càng nâng lên với vai trò nặng nề hơn, mặc dù y tế cơ sở, y tế dự phòng trong những năm qua đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo nhưng chưa thực sự cụ thể, tương đồng với nhiệm vụ đang được kỳ vọng.

Qua thực tiễn đều chứng minh nguồn nhân lực luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng hiện nay, đang có sự khác nhau về số lượng, chất lượng về nhân lực y tế giữa các khu vực, giữa các chuyên ngành trong lĩnh vực y tế và giữa các vùng. Việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế, nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ, cơ cấu nhân lực tại trạm y tế xã còn chưa đầy đủ và phù hợp, chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế cơ sở.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân

Đại biểu ví dụ, chế độ phụ cấp ưu đãi ngành đối với cán bộ y tế, viên chức ngành y tế thực hiện theo Nghị định số 56 của Chính phủ và cũng được cập nhật ở Nghị định 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56. Tuy nhiên, quy định mức hưởng phụ cấp 40-70% đối với viên chức làm chuyên môn y tế, 30% đối với viên chức dân số... điều này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, viên chức dân số, viên chức hành chính cũng làm trong môi trường y tế tại cơ sở, sau khi sáp nhập trung tâm y tế đa chức năng, trong điều kiện thiếu nhân lực, để đảm bảo tốt công việc của đơn vị thì ngoài nhiệm vụ chuyên ngành được giao họ còn được phân công thêm các nhiệm vụ khác của trung tâm, đặc biệt trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 thì tất cả nguồn nhân lực đều tham gia trong công tác phòng, chống dịch. Nhưng theo Nghị định 05 thì những đối tượng trên không được hưởng. Điều này gây thiệt thòi cho viên chức, người lao động, tạo dư luận không đồng thuận trong lực lượng cán bộ, viên chức y tế.

Cần tập trung chính sách ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở

Đại biểu nhấn mạnh đầu tư cho y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng là chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Đây là một trong những chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững nhất. 

Đại biểu cho rằng, để hoàn thành được mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cần nghiên cứu đánh giá cụ thể hơn về các chính sách, cơ chế, sự đáp ứng về nguồn lực tác động lên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các mô hình đã thay đổi trong thời gian qua, đặc biệt cần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư khóa IX về việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. 

Đại biểu đề nghị hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, mô hình quản lý, nâng cao hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo vai trò người gác cổng của mạng lưới y tế cung cấp dịch vụ. Thực hiện chủ trương trạm y tế xã phân bố theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính, cần đổi mới phương thức hoạt động của y tế cấp xã là chăm sóc sức khỏe cho người dân theo hướng thực hiện chăm sóc sức khỏe tới phòng bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý ca bệnh và chú trọng tới quản lý các bệnh không lây nhiễm.

Đại biểu cũng đề nghị cần tập trung chính sách ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư cho y tế dự phòng. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra. Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở theo hướng phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có cơ chế, giá dịch vụ y tế và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở. Mở rộng hình thức, lượng nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công lập.

 Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận

Theo đại biểu, cũng cần có chính sách mạnh mẽ, đồng bộ, đãi ngộ đối với cán bộ y tế, khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc, gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, các chức danh bác sĩ, y bác sĩ học dự phòng dược sĩ sau khi tuyển dụng cần được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Về chính sách hưởng chế độ phụ cấp y tế cơ sở tại các y tế cơ sở công lập theo Nghị định 05, đại biểu đề nghị cho hưởng phụ cấp ưu đãi 100% đối với tất cả cán bộ, viên chức đang làm tại tuyến này. 

Ngoài ra, theo đại biểu hiện nay, một số trường công lập đào tạo khối ngành sức khỏe đang hoạt động tự chủ nên nguồn kinh phí từ nguồn học phí. Do vậy, việc tăng học phí đối với ngành sức khỏe trong khi thời gian học dài, gây áp lực lên người học và gia đình. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho y tế dự phòng, y tế cơ sở./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực