Đánh giá toàn cầu về các mục tiêu không phát thải carbon

Thứ tư, 24/03/2021 01:24
(ĐCSVN) - Đánh giá toàn cầu về các mục tiêu không phát thải là tài liệu phân tích có hệ thống đầu tiên về các cam kết không phát thải của các quốc gia, các cấp chính quyền địa phương và các công ty lớn. Nó cũng cho thấy rằng 61% quốc gia, 9% bang và vùng ở các quốc gia phát thải nhiều nhất và 13% thành phố có dân số trên 500 nghìn người hiện đã có cam kết không phát thải.
Lượng khí thải carbon trên toàn cầu sẽ giảm 5% do đại dịch COVID-19.
(Ảnh minh họa:moitruong.net.vn) 

Theo báo cáo mới công bố hôm nay (23/3) của Cơ quan Giám sát Khí hậu và Năng lượng (ECIU) và Oxford Net Zero, ít nhất 1/5 (21%) trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới, với tổng doanh thu gần 14 nghìn tỷ USD, hiện đã có cam kết không phát thải carbon.

Phần lớn các công ty này cũng đặt những mục tiêu trước mắt, có kế hoạch công khai và cơ chế báo cáo, nhưng chỉ hơn 1/4 trong số đó đáp ứng đầy đủ các "tiêu chí quyết liệt". Các tác giả báo cáo cảnh báo các công ty có nguy cơ đối mặt với những cáo buộc “quảng cáo xanh” bề ngoài nếu họ không bổ sung vào kế hoạch mục tiêu của mình các cơ chế quản trị minh bạch và phù hợp, bao gồm mức độ phụ thuộc vào cơ chế bù trừ carbon của mình.

Báo cáo điểm lại: Đánh giá toàn cầu về các mục tiêu không phát thải là tài liệu phân tích có hệ thống đầu tiên về các cam kết không phát thải của các quốc gia, các cấp chính quyền địa phương và các công ty lớn. Nó cũng cho thấy rằng 61% quốc gia, 9% bang và vùng ở các quốc gia phát thải nhiều nhất và 13% thành phố có dân số trên 500 nghìn người hiện đã có cam kết không phát thải.

Báo cáo xác định xem các mục tiêu không phát thải này có đáp ứng được bộ tiêu chí quyết liệt tối thiểu, hay còn gọi là "vạch xuất phát", do Chiến dịch Cuộc đua tới mục tiêu Không phát thải của Liên hợp quốc đặt ra.

Đến nay đã có 20% mục tiêu hiện hành đã đáp ứng “vạch xuất phát” này, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần phải làm trước Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Thành viên ban lãnh đạo cấp cao tại Cơ quan Giám sát Khí hậu và Năng lượng và là tác giả chính của báo cáo, ông Richard Black cho biết: “Mặc dù khái niệm không phát thải vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nó đã thúc đẩy những thay đổi trong chính sách. Tuy nhiên, rõ ràng để giúp cho thế giới theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu, chúng ta cần nhiều quốc gia, vùng, bang và công ty hơn tham gia, và nâng cao những cam kết hiện tại.

“Các công ty và quốc gia có lý khi làm theo đúng trình tự đề ra mục tiêu và sau đó xây dựng kế hoạch và cơ chế báo cáo đáp ứng mục tiêu đó, nhưng họ cũng cần phải có tiến triển nhất định trong thời gian hướng tới COP. Các quốc gia như Nhật Bản và Mỹ sẽ cần phải củng cố tham vọng không phát thải bằng các mục tiêu giảm phát thải trong giai đoạn tới đây vào năm 2030”.

Báo cáo cũng chỉ ra các quốc gia cũng như các công ty chưa nói rõ họ sẽ dùng đền bù carbon khi thực hiện mục tiêu của mình như thế nào, và cảnh báo rằng các biện pháp bù trừ carbon dựa vào tự nhiên cũng chỉ có thể thực hiện trong ngưỡng cho phép của trái đất, vì vậy không thể dựa quá nhiều vào chúng.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Thomas Hale từ Học viện Chính phủ Blavatnik, Đại học Oxford cho biết: “Việc các bên nhanh chóng tiếp nhận những mục tiêu không phát thải là tín hiệu đáng mừng, nhưng chúng ta cũng cần họ nêu rõ các kế hoạch để hiện thực hoá chúng. Nhất là với dự định của họ về biện pháp bù trừ carbon. Mặc dù họ có thể cần dùng bù đắp carbon cho những “phát thải dư” trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng ưu tiên quan trọng nhất vẫn là giảm phát thải ngay lập tức. Nếu các công ty và quốc gia chỉ dựa vào bù trừ carbon mà không có đủ các động thái cắt giảm khí thải thực tế, thì chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu trên quy mô toàn cầu”.

Các quốc gia có mục tiêu không phát thải hiện đóng góp 61% lượng khí thải toàn cầu, đồng thời chiếm 68% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (tính theo PPP) và 52% dân số toàn cầu. Nhóm tác giả báo cáo cho biết, chính phủ các nước cũng phải củng cố những cam kết của họ bằng các cơ chế báo cáo, có kế hoạch công khai và đặt ra những mục tiêu trước mắt đáng tin cậy.

Báo cáo lưu ý, với 124 quốc gia hiện đã cam kết hoặc đang cân nhắc thực hiện các mục tiêu không phát thải, thì những nước không có mục tiêu như Úc và Nga là thiểu số và có vẻ ngày càng trở nên cá biệt.

Càng gần đến hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, dư luận sẽ càng đổ dồn chú ý vào số lượng các đơn vị, quốc gia đề ra những cam kết không phát thải cũng như khả năng của họ để giúp khí hậu nằm trong giới hạn “an toàn”, cũng như vào những cam kết gia hạn tới năm 2030 theo Thỏa thuận Paris (được gọi là Báo cáo Đóng góp do Quốc gia tự quyết, hoặc NDC). Trong khi báo cáo chỉ ghi nhận các quốc gia có mục tiêu tạm thời hay không, thì vẫn cần có thêm nghiên cứu để đánh giá mức độ tương thích của các mục tiêu tạm thời này với mục tiêu không phát thải.

Đồng tác giả Kate Cullen, Nhà nghiên cứu Chính sách Không phát thải tại Đại học Oxford, cho biết: “Đặt mục tiêu là bước đầu tiên, và phải xác định rõ rằng những mục tiêu này chỉ mới là điểm khởi đầu cho cách các quốc gia, bang và công ty tiếp tục phát triển các kế hoạch giảm phát thải cụ thể, đặc biệt là những kế hoạch ngắn hạn.

“Do đó, công tác này rất quan trọng để thiết lập đường cơ sở cho các mục tiêu không phát thải trên toàn cầu, từ đó có thể theo dõi và đánh giá các mục tiêu này tốt hơn, đồng thời cũng giúp phát triển các tiêu chí để tính toán mức độ hiệu quả của các kế hoạch. Mục tiêu không phát thải là một công cụ hữu ích để theo dõi tiến trình ứng phó biến đổi khí hậu; công tác giám sát, đánh giá và thẩm định sát sao sẽ giúp cải thiện kế hoạch.”

Đồng tác giả, Tiến sĩ Steve Smith, từ Học viện Doanh nghiệp và Môi trường Smith, Đại học Oxford, cho biết: “Không phát thải không chỉ là một mục tiêu rõ ràng và dễ hiểu, mà nó còn chính là điều kiện hành tinh này cần có để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Mục tiêu Không phát thải sẽ phát huy tốt nhất khi chúng bao gồm cả mục tiêu ngắn hạn, các kế hoạch rõ ràng, và cơ chế báo cáo cũng như các cơ chế quản trị khác để giúp các đơn vị tham gia đi đúng hướng"./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực