Đào tạo lao động có trình độ theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp
Thứ hai, 02/02/2015 16:31 (GMT+7)
Ngày 2/2, tại Hưng Yên, 14 sinh viên thuộc Chương trình đào tạo hợp tác nghề Cơ điện tử do các doanh nghiệp Đức (Công ty trách nhiệm hữu hạn B.Braun Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn khí công nghiệp Messer Hải Phòng) và Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã được nhận chứng chỉ tốt nghiệp.
Nằm trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Công - Tư do Bộ Hợp tác và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) khởi xướng, với sự hỗ trợ của chương trình hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” và được sự cho phép của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Công ty B.Braun Việt Nam, Công ty Messer Hải Phòng xây dựng và tổ chức triển khai thành công Chương trình thí điểm hợp tác đào tạo kỹ thuật viên Cơ điện tử trình độ cao đẳng nghề. Đến nay, chương trình đã thực hiện được 2 năm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện mô hình hợp tác đào tạo nghề có sự tham gia sâu của doanh nghiệp Đức - với tư cách là đối tác, đồng thời là người trực tiếp sử dụng lao động được đào tạo.
Chương trình đào tạo nghề bao gồm các giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp có hệ thống, giúp người học đạt được các kỹ năng thực hành cao cũng như kinh nghiệm làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Sau một năm thực hiện, 14/15 sinh viên đã tốt nghiệp và được nhận vào làm việc tại hai doanh nghiệp Đức (11 sinh viên làm cho B.Braun; 3 sinh viên làm cho Messer).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho biết: Bắt đầu từ năm 2007, Trường đã phối hợp với các doanh nghiệp trong nước đào tạo cho sinh viên. Từ thành công này, Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng mô hình giữa các doanh nghiệp Đức và các trường sư phạm kỹ thuật. Hiện nhà trường đang đào tạo các khóa II, III và nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong nước và Đức. Mỗi khóa, nhà trường chỉ đào tạo từ 20-22 sinh viên, trong quá trình học tập, những sinh viên không đủ điều kiện sẽ bị loại nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật lành nghề, phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp.
Trong quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam, nhu cầu đối với lực lượng lao động có tay nghề cao đang ngày càng tăng. Nhằm cung cấp đào tạo nghề chất lượng cao định hướng nhu cầu, năng lực hệ thống đào tạo nghề cần được cải tiến. Chương trình đào tạo Hợp tác Công - Tư lần này giữa hai doanh nghiệp Đức và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên được triển khai nhằm bảo đảm các kỹ thuật viên/công nhân lành nghề cơ điện tử Việt Nam có trình độ đáp ứng các tiêu chuẩn được yêu cầu từ khối doanh nghiệp - được coi như hình mẫu về hợp tác đào tạo nghề với doanh nghiệp và đào tạo nghề định hướng nhu cầu. Tổng cục Dạy nghề đang hỗ trợ toàn bộ quá trình thí điểm nhằm vận dụng những bài học kinh nghiệm từ Chương trình đào tạo này để đổi mới hơn nữa hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam.
Theo ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đây là mô hình đào tạo kép, đang được thực hiện thí điểm. Với mô hình này, khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ được thu hẹp, sinh viên ra trường không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề mà còn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn mà doanh nghiệp đòi hỏi, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng tốt. Sắp tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các trường, các doanh nghiệp có khu công nghiệp lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…/.