Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm ở cảm trẻ em: Cha mẹ cần biết

Thứ sáu, 29/04/2022 17:30
(ĐCSVN)- Trầm cảm là căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở trẻ em và vị thành niên. Tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%, ở lứa tuổi vị thành niên khoảng 5-8%.

Nhiều người cho rằng chỉ có người lớn mới mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Theo thống kê, số trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm ngày càng gia tăng. Trầm cảm, lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên thường là bệnh phối hợp.

Khi bị mắc bệnh trầm cảm và lo âu, sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Tần suất mắc căn bệnh này đang ngày một gia tăng, là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Rối loạn tâm thần ở trẻ thường diễn ra nhiều năm, do đó cha mẹ, nhà trường cần lưu tâm để phát hiện sớm. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL) 

"Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019" vừa được Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố có những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần. Cụ thể, kết quả khảo sát gần 7.800 học sinh lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường học - số liệu được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra cho thấy đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo âu. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua.

GS.TS. Vũ Dũng, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, những số liệu của cuộc khảo sát trên là chỉ số rất đáng quan tâm đối với các cấp quản lý có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là ngành Giáo dục và Y tế, đối với các gia đình và cộng đồng xã hội.

Cuộc khảo sát này thực hiện đối với học sinh từ 13-17 tuổi, tương đương với các khối 8, 9, 10, 11 và 12. Trong đó, khối 8 và khối 9 thuộc các trường THCS, khối 10, 11 và 12 thuộc hệ thống trường THPT. Đối với nhóm học sinh này có một yếu tố đặc biệt liên quan đến sự lo âu và căng thẳng tâm lý của các em là kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Hai thời điểm này là hai thời điểm tạo nên áp lực lớn, tạo nên sự căng thẳng, lo lắng lớn của học sinh. Nên tỷ lệ gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng và có một tỷ lệ đáng kể trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử là vấn đề mà chúng ta có thể lý giải được.

GS.TS. Vũ Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ phải đối mặt với sự cô đơn. Thứ nhất, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều cha mẹ học sinh đã phải dành sức lực và thời gian cho sự mưu sinh.

Thứ hai, ở thành phố, nhiều gia đình cha mẹ phải lo công việc cơ quan, lo việc kinh doanh, nên cũng ít có thời gian quan tâm và hiểu về con. Mặt khác, điều kiện sống ở đô thị chật hẹp, các em không có nhiều không gian để chơi thể thao và các hoạt động giải trí khác. Tuy có các hoạt động xã hội do đoàn thể, cộng đồng tổ chức, song chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của trẻ.

Hoạt động giao tiếp của trẻ với nhau cũng bị hạn chế bởi sự quản lý và giám sát của gia đình, bởi việc học thêm quá nhiều (do các gia đình muốn như vậy). Các gia đình luôn quản lý và giám sát trẻ vì sợ các em sa đà vào các tệ nạn xã hội (ma túy, nghiện game…), vì sợ bắt cóc hay lạm dụng tình dục…

Tất cả các điều kiện trên đã làm cho học sinh ngày nay dễ bị cô đơn. Con số 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn như Báo cáo đã chỉ ra là có thực trong cuộc sống.

Chỉ trong vòng mấy tuần gần đây, chúng ta ghi nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên có hành vi tự sát. Điều này gây ra sự chú ý và quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên. Trong đó, trầm cảm – căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở lứa tuổi này.

Liên quan đến vấn đề trầm cảm ở trẻ em, Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã chia sẻ về các dấu hiệu giúp nhận biết, cách điều trị và dự phòng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần như: cảm xúc, tư duy và vận động.

Trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần. Thường đi kèm thêm các biểu hiện như buồn chán hầu như cả ngày, cảm giác tự ti, ý tượng bị tội và không xứng đáng, nhìn tương lai ảm đạm và bi quan, ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết hoặc các hành vi tự sát,… rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều.

Một số yếu tố nguy cơ của trầm cảm bao gồm gia đình có người mắc các rối loạn cảm xúc, có 1 đợt trầm cảm trước đó, thất bại trong học tập, xung đột trong gia đình, quan hệ bạn bè hoặc đi kèm các rối loạn tâm thần như rối loạn hành vi, rối loạn lo âu…Bên cạnh đó, tình trạng bị bắt nạt và dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội có thể liên quan đến trầm cảm.

Tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, tỷ lệ này dao động từ 5% đến 8%. Tỷ lệ này phổ biến hơn ở trẻ sau tuổi dậy thì.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên

Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết cho biết, các biểu hiện trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên khá đa dạng và không điển hình. Các biểu hiện chung thường gặp là: Tâm trạng cáu kỉnh hoặc thất thường (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu bộc phát…); Giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (ví dụ: bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ,..); Không muốn đi ra ngoài, rút lui xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè; Tránh né việc đi học; Suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên; Thay đổi giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều; Thường xuyên có các phàn nàn không giải thích được như cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày,…; Xuất hiện các vấn đề về hành vi (ví dụ: trở nên cố chấp hơn, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác); Có các suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử; Cảm giác vô dụng (tức là cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương) hoặc tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp; Lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích khác.

Cách điều trị và dự phòng

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, trầm cảm hiện tại là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.

Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng đối với các trường hợp trầm cảm mức độ nhẹ và vừa.

Các cuộc gặp mặt gia đình, các phương pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tương tác cá nhân (IPT), phỏng vấn tạo động lực, trị liệu nhóm,… là các phương pháp được chứng minh hiệu quả.

Các thuốc được lựa chọn để điều trị thường là các thuốc chống trầm cảm, có thể một số trường hợp sẽ cần sử dụng thêm các thuốc điều chỉnh khí sắc, an thần kinh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết cho rằng, cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Đối với những trẻ có biểu hiện có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh trẻ và luôn có sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc./.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực