Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh…
Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dân số cũng đang đứng trước các thách thức như: mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; quản lý di cư còn nhiều bất cập…
Nhằm đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của việc nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, những thách thức đặt ra, đồng thời tìm ra giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng dân số, ngày 18/11, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới”.
|
|
Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới”. Ảnh: Đỗ Thoa |
Tại buổi Tọa đàm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho rằng, nấc thang đầu tiên để đánh giá chất lượng dân số là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Do đó, thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân là một công việc quan trọng, cũng là thách thức cần giải quyết trong việc nâng cao chất lượng dân số ở nước ta hiện nay.
Theo nhận định của ông Nguyễn Duy Ánh, hiện nay người dân Việt Nam đã có khái niệm nhất định về sàng lọc nhưng để hiểu đầy đủ và dám làm thì chưa có. Thực tế, trên thế giới nhiều nước đã tiến hành khám sàng lọc bệnh tật từ khi còn giai đoạn bào thai và sơ sinh vì các thể chế chính trị, cơ sở hạ tầng, chính sách xã hội và nhận thức của người dân về vấn đề này rất cao. Việc này đóng vai trò quan trọng, then chốt đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay thường dành một khoản tiền đầu tư cho sức khỏe sinh sản để có chất lượng dân số tốt.
Ông Nguyễn Duy Ánh kiến nghị, Nhà nước nên đầu tư cho công tác sàng lọc bào thai, sàng lọc sơ sinh và những bệnh lý cơ bản, đưa các nội dung này vào nội dung bao phủ của Bảo hiểm y tế. Hiện tại Việt Nam chưa cần cần sàng lọc hết tất cả các bệnh lý, mà chỉ cần tập trung sàng lọc những bệnh mang tính phổ biến như tan máu bẩm sinh, hội chứng Down… để từ đó tư vấn, đưa ra lời khuyên với các cặp vợ chồng khi mang thai. Đối với các thai phụ thì tiến hành sàng lọc bào thai, nếu có dị tật thì đình chỉ thai nghén, trong trường hợp này việc đình chỉ thai nghén là hoàn toàn được phép...
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong một năm đã phát hiện ra gần 1.000 trường hợp dị tật thai nhi bắt buộc phải đình chỉ thai nghén. Chi phí sàng lọc cho các căn bệnh này không quá nhiều, thậm chí ít hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị cho các bệnh lý này. Nếu ban đầu không được bảo hiểm chi trả thì nhà nước nên hỗ trợ một phần cho người dân. Khi quyền lợi thuộc về người dân họ sẽ chủ động nắm bắt và tìm hiểu vấn đề.
Ông Nguyễn Duy Ánh cho rằng, để thực hiện công việc này cần làm từng bước nhưng quan trọng nhất là cán bộ y tế, những người có kiến thức để tư vấn cho người dân. Do đó, nếu không có sự chỉ đạo, quyết liệt thì không thể có chất lượng dân số tốt. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng đồng tình với việc áp dụng các giải pháp y học, ứng dụng thành tựu khoa học của thế giới để kiểm soát bệnh tật, kiểm soát dị tật thai nhi trước sinh, nâng cao chất lượng giống nòi.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nói cách khác, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Vì vậy, đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao.
Muốn vậy, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội mong muốn các nhà dân số học, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục nghiên cứu, đưa Luật Dân số trình lên Quốc hội. Theo ông, nếu không chăm lo công tác dân số, chúng ta sẽ chịu “gánh nặng” về cơ cấu dân số, chất lượng dân số trong tương lai bởi dân số là một trong ba vấn đề của quá trình sản xuất. Do đó, nâng cao chất lượng dân số là vấn đề hết sức bức bách, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.