Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng

Thứ sáu, 17/11/2023 18:07
(ĐCSVN)- Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ đã được chứng minh là “thuốc” giúp cứu sống trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý cần chăm sóc tích cực trong những ngày tháng đầu đời. Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến bổ sung sữa mẹ hiến tặng thanh trùng thuộc phạm vi quyền lợi của người có bảo hiểm y tế, sẽ giảm gánh nặng chi phí cho gia đình, xã hội và cho cả Quỹ BHYT.

Ngày 17/11 nhân Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non 2023, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Hiệu quả của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ trên cả nước cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non (17/11), là một sự kiện được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức và mối quan tâm của con người về trẻ sinh non trên toàn thế giới. Trên thế giới ước tính, cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ĐT  

Hội thảo “Hiệu quả của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật BHYT sửa đổi” để chúng ta dành thời gian quan tâm thảo luận đề xuất những chính sách tốt đẹp nhất dành cho nhóm trẻ em đặc biệt, sinh ra đã có những thiệt thòi so với trẻ đồng lứa, cũng là nhóm có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị dinh dưỡng tối ưu – đó là trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, sữa mẹ là giải pháp giúp phòng ngừa hơn 800.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, trong 1,4 triệu trẻ đẻ sống mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Đây là nhóm trẻ cần dinh dưỡng từ sữa mẹ nhất, nhưng rất nhiều trong số đó không được ăn bú mẹ hoàn toàn vì trẻ phải điều trị trong đơn vị hồi sức dài ngày và người mẹ thường quá căng thẳng khó tạo đủ sữa.

Ngân hàng sữa mẹ đã được ra đời ở Việt Nam từ năm 2017, nhằm tuyển chọn bà mẹ hiến tặng sữa tự nguyện, thu nhận sữa, sau đó xử lý, sàng lọc và phân phối sữa mẹ chất lượng và an toàn đến các trẻ có nhu cầu. Sau 6 năm hoạt động, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ đã chứng minh những tác động rõ rệt trong dinh dưỡng điều trị cho nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân nói riêng và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng nói chung.

Theo ước tính của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ trên cả nước cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày. Nếu vận hành tối đa công suất, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ hoàn toàn có khả năng đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu trên toàn quốc thông qua hệ thống vận chuyển lạnh.

Việc thiết lập hệ thống ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam đã tuân theo khuyến cáo của WHO về ưu tiên dinh dưỡng cho trẻ sinh non, nhẹ cân và có bệnh lý: khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn tối ưu. Với quy trình sàng lọc và thanh trùng nghiêm ngặt, ngân hàng sữa mẹ giúp đảm bảo an toàn vi sinh và duy trì các thành phần sinh học thiết yếu trong sữa mẹ, nhờ vậy giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ bị lây các bệnh nghiêm trọng như HIV, viêm gan B và C, giang mai,… từ việc trao đổi, sử dụng sữa mẹ hiến tặng tự phát ngoài cộng đồng.

Ông Phan Văn Toàn chia sẻ thêm, hội thảo này diễn ra sau nhiều hội thảo tổng kết hoạt động mạng lưới ngân hàng sữa mẹ và cuộc họp chuyên môn kỹ thuật của nhóm chuyên gia các Cục, Vụ, Viện, bệnh viện khác nhau trong Bộ Y tế.

Tại hội thảo này, các đại biểu chia sẻ vai trò, hiệu quả của sữa mẹ thanh trùng với những bằng chứng từ các ngân hàng sữa mẹ Việt Nam sau 6 năm thí điểm triển khai, và những tính toán chi phí, lợi ích của việc bổ sung sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào phạm vi quyền lợi của người được bảo hiểm trong dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đang được hoàn tất để trình Chính phủ.

Bác sĩ hướng dẫn mẹ cho con bú an toàn. Ảnh: A&T 

Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giúp tiết kiệm 76,7 tỷ đồng hàng năm cho Quỹ Bảo hiểm y tế

Theo ước tính của Alive & Thrive và Viện Chiến lược chính sách y tế, nếu toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng theo chỉ định, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế sẽ tiết kiệm được 76,7 tỷ đồng hàng năm từ việc giảm chi phí điều trị các bệnh lý như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt, giảm thời gian điều trị nội trú, giảm thời gian nuôi ăn tĩnh mạch. Trong khi đó, nếu bảo hiểm y tế chi trả cho toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, thì chi phí quỹ bảo hiểm y tế cần thanh toán chỉ là 30,8 tỷ đồng hàng năm, tương đương 0,46% quỹ.

Theo số liệu của hệ thống ngân hàng sữa mẹ Việt Nam, từ khi mạng lưới được thiết lập, bà mẹ nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ. Các ngân hàng sữa mẹ đều đã hoạt động trên nguyên tắc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, không nhằm thay thế sữa mẹ đẻ. Dự thảo hướng dẫn chỉ định sử dụng sữa do Bộ Y tế đang được xây dựng rất minh bạch, chặt chẽ, và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, trẻ chỉ tạm thời sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong thời gian ngắn, sau đó tỷ lệ trẻ quay trở lại bú mẹ hoàn toàn tăng rõ rệt. Như vậy, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng không chỉ có lợi ích kinh tế dài lâu cho gia đình trẻ và Quỹ Bảo hiểm y tế mà còn có lợi ích lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.

Tổ chức Y tế thế giới phân loại sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Hiện tại, danh mục chi trả của bảo hiểm y tế tại Việt Nam đã bao gồm máu và các chế phẩm của máu, nhưng chưa có quy định về chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

Trên thế giới, đã có 25 quốc gia có hệ thống ngân hàng sữa mẹ có chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Trong số năm quốc gia Đông Nam Á có ngân hàng sữa mẹ, Myanmar, Singapore và Thái Lan đã đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục bảo hiểm chi trả; chỉ còn Philippines và Việt Nam chưa quy định nội dung này./.

Phương Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực