“Đóa hồng” mạnh mẽ nơi tâm dịch

Thứ ba, 08/03/2022 09:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Gần 6 tháng tham gia công tác chống dịch nơi tuyến đầu, vượt qua những bỡ ngỡ, những áp lực của công việc, Vũ Trần Thiên Thanh, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh luôn tâm niệm đã chọn ngành Y thì không được phép yếu đuối, không được sợ hãi, bởi "nếu mình sợ hãi thì ai sẽ làm, ai sẽ chăm sóc cho bệnh nhân?".
Vũ Trần Thiên Thanh, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (Ảnh: HM) 

Không chỉ được mệnh danh là “hoa khôi” của Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Vũ Trần Thiên Thanh còn được đồng nghiệp, bạn bè cảm phục và yêu mến bởi sự thân thiện, nhiệt tình, luôn yêu thương, chia sẻ với đồng nghiệp và bệnh nhân.

Xem bệnh nhân cũng như người nhà 

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, khoa Điều dưỡng kỹ thuật Y học tháng 7 năm 2019, Vũ Trần Thiên Thanh có cơ hội tham gia khóa trải nghiệm của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh kéo dài 3 tháng, đến tháng 9/2019 Thanh trở thành nhân viên chính thức của Khoa Phục hồi chức năng.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Thanh đã đăng ký tham gia vào Đội lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên chưa kịp nhận nhiệm vụ thì Sở Y tế TP kêu gọi y, bác sỹ tham chống dịch tại tuyến đầu, Thanh không ngần ngại ghi tên vào danh sách tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 6 tại TP Hồ Chí Minh.

“Thời điểm ấy các anh chị cùng khoa đa số đều đã có gia đình và có con nhỏ những luôn xung phong và sẵn sàng lên đường tham gia công tác chống dịch, tôi thầm nghĩ, mình có sức khỏe, có sức trẻ, lại không vướng bận gì, chẳng nhẽ mình lại ngồi yên một chỗ. Tham gia chống dịch cũng là một cách để bản thân được thử sức, được trải nghiệm và học hỏi nâng cao chuyên môn”, Thanh chia sẻ.

Theo kế hoạch, đoàn của Thanh sau khi đăng ký phải một tháng sau mới lên đường thực hiện nhiệm vụ nhưng do tình hình dịch thời điểm ấy quá phức tạp, tuyến đầu thiếu đội ngũ nhân viên y tế nên vừa nhận lệnh tối hôm trước thì sáng hôm sau Thanh đã lên đường đến Bệnh viện Dã chiến số 6. “Lúc ấy Thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 nên việc đi mua đồ rất khó khăn, tôi và mọi người chỉ kịp xếp quần áo, đồ dùng cá nhân nhiều thứ không kịp mua. Bất ngờ là khi đến nơi tập kết, Bệnh viện đã có sẵn cho mỗi y, bác sỹ một combo đầy đủ từ sữa, kem đánh răng, nước súc miệng, nước rửa tay… chúng tôi đã vô cùng hạnh phúc và biết ơn với sự quan tâm đó”, Thanh cho hay.

Vũ Trần Thiên Thanh (hàng sau thứ 2 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp tham gia công tác chống dịch COVID-19 (Ảnh: NVCC)

Sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện, của lãnh đạo Khoa và các anh chị đồng nghiệp, sự ủng hộ tin tưởng của người thân trong gia đình đã xua tan những lo lắng trước khi tham gia vào trận chiến nơi tuyến đầu chống dịch của Vũ Trần Thiên Thanh.

“Đã từng coi báo đài, nhìn trên truyền hình thấy tình trạng dịch bệnh ở nước ngoài cũng thấy đáng sợ, nhưng khi vào Bệnh viện Dã chiến số 6 của TP Hồ Chí Minh mới thấy được sự tàn khốc của dịch bệnh. Nhiều ca bệnh nhập viện lúc nửa đêm, máy thở thiếu trầm trọng, chỉ có bình ô xy... và việc chứng kiến cảnh bệnh nhân, người nhà gọi điện thông tin về việc người thân mất mới thấy khủng khiếp.

Chúng tôi tự động viên nhau, bản thân mỗi người cũng tự động viên chính mình, xem bệnh nhân như người nhà của mình. Từ công việc khó như chuyển viện cho bệnh nhân trong đêm đến những công việc chăm sóc, phát thuốc, chải đầu, thay bỉm… cho bệnh nhân chúng tôi đều cố gắng để làm tốt nhất. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, được sự chỉ bảo, hỗ trợ của các anh chị đồng nghiệp và sự chia sẻ của bệnh nhân mà nhiều việc không phải chuyên môn tôi đã tự tin thực hiện không cần có sự giúp đỡ”. Thanh nhớ lại.

Nhiều đợt “đổi quân” đã diễn ra nhưng Vũ Trần Thiên Thanh vẫn luôn giữ tên mình trong danh sách tình nguyện tham gia vào công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Kết thúc nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 6, tháng 8/2021, Thanh trở về và tham gia chống dịch tại Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Y Dược. Với Thanh đây là khoảng thời gian không thể quên.

Thời điểm đó, những bệnh nhân phải đặt nội khí quản là tiên lượng rất nặng, mỗi bệnh nhân một đặc điểm bệnh lý khác nhau, đòi hỏi đội ngũ bác sỹ và điều dưỡng phải theo và có cách điều trị, chăm sóc khác nhau. Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, từ quá trình thực hiện điều trị cho bệnh nhân, bản thân chúng tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm.

 Với Thanh và các đồng nghiệp, niềm vui chính là được chứng kiến bệnh nhân khỏe lên mỗi ngày và được xuất viện trở về với gia đình (Ảnh: NVCC)

“Tôi nhớ cô bệnh nhân tên N.T.H 67 tuổi, khi nhập viện cô chỉ có bệnh nền là huyết áp cao. Tôi được giao nhiệm vụ thực hiện tập vật lý trị liệu cho cô. Trong quá trình tập luyện cô thường kể chuyện về gia đình, về các con… và tình hình bệnh của cô khá ổn định, lúc ấy tôi đã vui mừng khi thấy bệnh nhân có sự tiến triển từng ngày. Thế nhưng rất nhanh ngay trong đêm tình hình của cô chuyển biến xấu, trở nặng, cô phải lọc máu và sử dụng máy thở. Trong suốt quá trình đó tôi vẫn phụ trách chăm sóc cô. May mắn sau 3 tuần bệnh nhân đã cai được máy thở và thực hiện tập thở. Mặc dù tôi mặc đồ bảo hộ nhưng nghe giọng nói cô H vẫn nhận ra, cô nắm chặt tay tôi, hai cô cháu chỉ nhìn nhau xúc động, cảm giác hạnh phúc vỡ òa vì bệnh nhân của mình đã từ cõi chết trở về. Ngày cô xuất viện, cô nắm chặt tay tôi không rời, cứ nói lời cảm ơn. Sau đó cô và người thân trong gia đình đã gửi lời cảm ơn đến Phòng công tác xã hội…”, Thanh kể.

"Áp lực khiến tôi trưởng thành hơn"

Thanh cho biết: Nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thì ở nơi đâu cũng vậy, đều là những công việc nguy hiểm, xa gia đình và cách ly với xã hội, nhưng niềm vui của đội ngũ y, bác sỹ và tình nguyện viên chính là nhìn thấy bệnh nhân chấp nhận sự động viên, hợp tác điều trị và vượt qua những khó khăn của bệnh tật.

Thế nhưng cũng có những việc khiến Thanh và đồng nghiệp không khỏi day dứt. “Lúc đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh. Nhiều đêm thực hiện ca trực, hình ảnh bệnh nhân xếp hàng ngoài hành lang chờ được điều trị, xe cứu thương ra vào bệnh viện liên tục khiến tâm trạng tôi cũng không khỏi lo lắng. Bản thân tôi cũng cảm thấy mình bất lực vì không thể hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn nữa”. Thanh tâm sự.

Thanh thực hiện hướng dẫn tập vật lý trị liệu nhóm cho người bệnh tại Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC)

Gần 6 tháng tham gia công tác chống dịch, vượt qua những bỡ ngỡ, những áp lực của công việc, Thanh luôn tâm niệm đã chọn ngành Y thì không được phép yếu đuối, không được sợ hãi, bởi nếu mình sợ hãi thì ai sẽ làm, ai sẽ chăm sóc cho bệnh nhân.

Thế nhưng, một ngày khi nhận kết quả bản thân mình trở thành F0 thì Thanh lại cảm thấy lo lắng. Lo lắng không phải vì sức khoẻ bản thân mà bởi vì thời điểm đó tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thiếu hụt y, bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân. Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Khoa, và đồng nghiệp động viên, Thanh yên tâm điều trị để sớm trở lại với công việc. Sau khi tự cách ly, tự chăm sóc bản thân và áp dụng những bài tập do chính mình hướng dẫn bệnh nhân, Thanh đã nhanh chóng vượt qua và trở lại với công việc.

Thanh cho biết: Ngày xưa đi học khác, đi làm cũng khác, đặc biệt khi đi chống dịch lại khác. Đi vào vùng dịch mới thấy thực sự áp lực, mọi thứ mình làm, mọi quyết định của mình đều phải chính xác, để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân. Thanh cảm thấy mình may mắn khi đủ sức khỏe để tham gia công tác chống dịch trong suốt một khoảng thời gian dài.

Thanh bộc bạch: "Tôi luôn tâm niệm, ai cũng chỉ sống một lần duy nhất trong cuộc đời, hãy làm thật nhiều những việc ý nghĩa, nhất là khi mình còn trẻ, còn khỏe. Trong gần 6 tháng tham gia công tác chống dịch nơi tuyến đầu đã giúp tôi nâng cao kinh nghiệm về chuyên môn, thử sức với việc công việc mà trước đây tôi chưa từng nghĩ mình làm được, thì hiện tôi làm rất tốt và đặc biệt quãng thời gian ấy đã cho tôi thấy được bản lĩnh, sức mạnh đoàn kết và tình yêu thương sẻ chia tuyệt vời của người Việt Nam”. 

Ngoài việc dành nhiều thời gian rảnh để quan tâm đến sức khỏe của những người thân yêu trong gia đình, với Thanh gia đình là một nguồn động lực to lớn, là hậu phương luôn âm thầm ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh cho Thanh trong cuộc sống cũng như trong công việc. Thanh cho biết kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục học hỏi nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để làm tốt vai trò của mình. Thanh cũng dự định sẽ đăng ký các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn để làm tốt hơn nữa công việc hỗ trợ điều trị phục hồi cho bệnh nhân.

Với nỗ lực của mình, Vũ Trần Thiên Thanh vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh khen tặng đã có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Sở Y tế tặng Giấy khen vì đã có nhiều nỗ lực trong công tác phục vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã Chiến thu dung Điều trị COVID-19 số 6./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực