Dừa Việt Nam “vươn xa” có mặt tại gần 90 quốc gia

Chủ nhật, 02/02/2020 16:14
(ĐCSVN) – Nhờ sự hăng say lao động của bà con, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến nay sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre đã được xuất khẩu đi gần 90 quốc gia và trở thành nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng.
 
 Sản phẩn dừa tỉnh Bến Tre được Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2018 và đến nay đã trở thành nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng. (Ảnh: ANH KHOA)

Là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.360 km2, Bến Tre nổi tiếng khắp cả nước với sản phẩm tiềm năng là cây dừa.Tại Bến Tre, những vườn dừa bạt ngàn tập trung ở các huyện phía tây như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm.

Được mệnh danh là "thủ phủ" cây dừa, hiện toàn tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa trên 72.000ha; sản lượng trên 612 triệu trái. Nhờ tích cực đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm dừa được nâng lên, giúp giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa đạt khoảng 3.300 tỷ đồng/năm, chiếm trên 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương trong thời gian qua tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đối với tỉnh Bến Tre, cây dừa là sản phẩm chủ lực và là sinh kế của nhiều người dân. Trong những năm qua, nhiều thành tựu KH&CN đã được ứng dụng đối với việc chế biến trái dừa, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao như dầu dừa tinh khiết, nước dừa đóng hộp,…

Toàn tỉnh hiện có 525 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực dừa, với tổng vốn khoảng 20.500 tỷ đồng. Hơn 200 sản phẩm từ dừa được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa...

Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Tính đến nay, sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 là 11,93%/năm.

Theo kết quả đánh giá trình độ công nghệ đối với nhóm ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh đạt xấp xỉ trung bình tiên tiến, trong đó có 2 doanh nghiệp đạt trình độ tiên tiến. Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, chi phí sản xuất giảm 10% và giá trị tăng thêm của ngành dừa đạt trên 15%.

Chẳng hạn, sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái; bột sữa dừa giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy; sữa dừa có giá cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; kem dừa giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô; chỉ xơ dừa cứng (tẩm keo) giá trị xuất khẩu cao gấp 3,4 lần chỉ xơ thô; chỉ xơ đơn và đôi giá trị xuất khẩu cao gấp 3,8 lần chỉ xơ thô…

Theo các chuyên gia, các địa phương trồng dừa của tỉnh cần tận dụng lợi thế của cây dừa để khai thác hiệu quả loại cây trồng này. Hiện nay, Chính phủ phủ đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực thi giảm thiểu, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa một lần. Điều này, tạo nên một lợi thế lớn cho cây dừa, các sản phẩm từ dừa như: đũa, muỗng, đồ gia dụng gia đình, chế biến món ăn, mỹ phẩm… có lợi thế và tiềm năng để phát triển. Hơn nữa, trong nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp hữu cơ là vấn đề rất được quan tâm, hướng đến. Mụn dừa là một nguồn nguyên liệu chế biến phân hữu cơ rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Đức cũng cho biết, những kết quả đạt được của tỉnh khẳng định sự quyết tâm chung sức, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và quan trọng là sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Hiệu quả nổi bật nhất là sự hỗ trợ của Bộ KH&CN cho Công ty Sản xuất dừa Lương Quới, thông qua Dự án Đổi mới công nghệ với kinh phí thực hiện 109 tỷ đồng; trong đó, Bộ KH&CN hỗ trợ gần 20 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành dừa theo chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dừa quốc gia tại tỉnh Bến Tre, với các hoạt động như: Cung cấp giống dừa cấy mô chất lượng cao; quy trình canh tác dừa công nghệ cao; trình diễn công nghệ sản xuất tạo sản phẩm dừa; marketing sản phẩm từ dừa online; viện bảo tàng dừa; kinh tế số từ dừa. Nguồn vốn đầu tư từ Bộ KH&CN, tỉnh Bến Tre và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do không gian này mới thành lập, dù đã học tập kinh nghiệm nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng vẫn còn yếu về tiềm lực, thiếu cơ sở vật chất. Do vậy, tỉnh kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ đầu tư để không gian hoạt động hiệu quả và trở thành trung tâm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - điểm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, hỗ trợ tiềm lực KH&CN cho tỉnh Bến Tre như chiến lược KH&CN ngắn hạn, dài hạn; các chương trình dự án thay đổi thiết bị công nghệ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Bến Tre trong và ngoài nước.

Được biết, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về phát triển bền vững cây dừa, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, UBND tỉnh Bến Tre đã đề ra nhóm 6 nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh chủ động thực hiện. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị cây dừa thông qua phát triển HTX, THT. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị trái dừa và phát triển xuất khẩu./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực