Kỹ thuật đỉnh cao giúp bệnh nhi động kinh loại bỏ bệnh tật
Đầu tháng 9/2023, bé M. 6 tuổi (quê Hưng Yên), trở thành em bé đầu tiên ở Đông Nam Á được phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh. Ê-kíp thực hiện là bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cùng đoàn chuyên gia phẫu thuật động kinh của Bệnh viện trẻ em Alabama (Hoa Kỳ) phối hợp thực hiện. Đây là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật, thực hiện thành công kỹ thuật mới này.
|
Gần 1 ngày sau mổ bằng phương pháp mới, bé M. đã cắt hết cơn động kinh, không bị liệt. (Ảnh: VT) |
Theo các chuyên gia đến từ Mỹ, đây là kỹ thuật phức tạp liên quan nhiều vùng chức năng giải phẫu, cũng như tâm sinh lý của bệnh nhân sau mổ.
Các bác sĩ tiến hành 2 bước. Đầu tiên, phẫu thuật viên xác định vùng gây động kinh bằng cộng hưởng từ (MRI), PET, sau đó mở hộp sọ đặt điện cực (gồm điện cực bề mặt và điện cực sâu) dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị... Sau 36-48 tiếng theo dõi, xác định rõ vùng động kinh, bác sĩ liên khoa thảo luận đưa ra quyết định cắt hết vùng động kinh không gây tổn hại chức năng và vận động cho trẻ.
Hiệu quả với phương pháp này là tuyệt đối. Trẻ cũng không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ. Tại Mỹ, riêng phẫu thuật đã "ngốn" 150.000 USD (tương đương hơn 3,5 tỷ đồng) chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc. Một điện cực sâu có giá khoảng 1.500 USD. Một ca tại Việt Nam tốn tối thiểu khoảng 1 tỷ đồng, chưa được BHYT chi trả.
Bước tiến bộ trong thực hiện phẫu thuật này sẽ giúp nhóm phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương giải quyết được các ca bệnh khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, cũng chính là cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân động kinh kháng trị và gia đình.
Khi Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật này thành công sẽ nâng tầm kỹ thuật phẫu thuật động kinh nói riêng và phẫu thuật thần kinh nói chung của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Pha chế thành công 2 thuốc phóng xạ mới
Tháng 11/2023, lần đầu tiên một bệnh viện ở Việt Nam là Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới dùng trong chụp PET/CT là Ga-68 PSMA điều trị ung thư tuyến tiền liệt và Ga-68 Dotatate điều trị u thần kinh nội tiết.
Sau gần một tháng, 12 ca ung thư tuyến tiền liệt và 9 ca u thần kinh nội tiết được áp dụng ghi hình PET/CT với các thuốc phóng xạ mới. Kết quả cho thấy tính hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.
|
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một bệnh viện pha chế thành công thuốc phóng xạ Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate (Ảnh: BVCC) |
Theo TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận vào các năm 2020 và năm 2016. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate. Do đó, người bệnh trong nước thường phải đi ra nước ngoài khi có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này.
Với việc pha chế thành công 2 loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate, Khoa Y học hạt nhân bệnh viện Chợ Rẫy đã đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước, giúp người bệnh có thể tiếp cận phương pháp kỹ thuật mới tiên tiến trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh.
Lần đầu tiên thay van trong van động mạch chủ cho bệnh nhân tại Việt Nam
Tháng 10/2023, bác T. một bệnh nhân nam 82 tuổi đã được các bác sĩ Viện Tim Mạch Việt Nam can thiệp thay van trong van qua đường ống thông. Đây là một trường hợp khá đặc biệt trong thực hành lâm sàng mà trước đây chỉ vài năm những bác sĩ chuyên ngành tim mạch can thiệp cũng không thể nghĩ lại có những tiến bộ đặc biệt như vậy.
Bác T. là một trong những trường hợp được làm thủ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (gọi tắt là TAVI) đầu tiên của Viện Tim mạch Việt Nam. Thời điểm đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng với biểu hiện suy tim nặng, viêm phổi nặng, phải đặt nội khí quản.
|
Các chuyên gia trao đổi, thảo luận trong quá trình thực hiện ca can thiệp. (Ảnh: ĐT) |
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định, việc thay van lại cho bệnh nhân là chỉ định bắt buộc và tình trạng của bệnh nhân không cho phép mổ tim mở nên việc thay lại van qua đường ống thông van - trong - van (TAVI V-i-V) là chỉ định tối ưu nhất.
Kíp thủ thuật của Viện đã tiến hành một cách thành thạo trong khoảng thời gian 30 phút tính từ lúc chọc mạch đùi. Bệnh nhân chỉ cần gây ngủ và tỉnh ngay sau thủ thuật.
Đây là ca TAVI-in-TAVI lần đầu tiên ở Việt Nam. Kỹ thuật thành công mở nhiều cơ hội cho bệnh nhân Việt Nam vì trường hợp bệnh như của bác T. sẽ ngày càng gặp nhiều và các thầy thuốc Viện Tim mạch Việt Nam tự hào có thể hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới.
Thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh
Với những tiến bộ đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là việc áp dụng hiệu quả các kỹ thuật cao cùng chi phí hợp lý, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều người nước ngoài khi có nhu cầu khám, chữa bệnh. Ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm đến Việt Nam để chăm sóc sức khỏe, gửi gắm tính mạng và niềm tin của mình.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi 4 tuổi (quốc tịch Úc) bị nang ống mật chủ bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ qua rốn đã gây tiếng vang trong dư luận. Bởi lẽ, phương pháp này chỉ có 2 nước trên thế giới có thể thực hiện được. Đây được coi là một thành tựu đặc biệt trong ngành Y tế, đưa Y học của Việt Nam vươn tầm thế giới.
|
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn phẫu thuật cho bệnh nhi bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ. (Ảnh BVCC) |
Cụ thể, trước đó, gia đình người Úc (đang làm việc tại Bali, Indonesia) phát hiện con gái 4 tuổi đi phân nhạt màu kèm đau bụng và nôn. Gia đình đưa con đi khám thì phát hiện trẻ bị u nang ống mật chủ. Tại đó, gia đình được tư vấn phẫu thuật mổ mở để cắt nang.
Do con gái còn nhỏ, gia đình không muốn con đau đớn, để lại sẹo dài mất thẩm mỹ nên đã tìm hiểu các kỹ thuật mổ hiện đại ở một số nước trên thế giới. Sau khi đọc tài liệu về kỹ thuật mổ nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật chủ của Việt Nam được PGS.TS.BS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, cặp vợ chồng người Úc đã hỏi thông tin về bác sĩ Sơn từ các bác sĩ tại Indonesia.
Được cung cấp thông tin và những thành công từ các ca mổ nội soi một lỗ điều trị u mang ống mật chủ của PGS Sơn, hai vợ chồng người Úc đã gửi thư điện tử tới PGS Sơn. Sau 4 lần trao đổi thông tin, cuối tháng 10 vừa qua, cặp vợ chồng này đã quyết định đưa con đến Việt Nam chữa bệnh.
Tiếp nhận bệnh nhân, PGS.TS.BS Trần Ngọc Sơn cho biết, bệnh nhi này có ống mật dài 2 cm, giãn thành hình thoi. Bình thường nang mật chủ giãn thành nang, ống mật chỉ dài 2-3 mm. Với bệnh nhi này nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dễ gây ra biến chứng. Bệnh nhân được chỉ định nội soi một lỗ cắt u nang ống mạch chủ tại Trung tâm kỹ thuật cao, Bệnh viện Xanh Pôn. Ưu điểm của phương pháp này là ít đau, ít gây tổn thương thành bụng, vết thương nhanh lành. Sau phẫu thuật, bệnh nhi phục hồi nhanh và đã có thể chạy nhảy. Bệnh sẽ không tái phát.
Nói về việc cặp vợ chồng người nước ngoài lựa chọn Việt Nam chữa bệnh cho con, PGS Sơn cho biết, ban đầu gia đình cũng băn khoăn, lo lắng vì họ chưa đến Việt Nam bao giờ. Tuy nhiên, sau khi được tiếp nhận, điều trị gia đình bệnh nhân vô cùng bất ngờ bởi trang thiết bị, chất lượng điều trị, thái độ phục vụ tại Việt Nam và nói rằng dịch vụ ở đây tuyệt vời trên cả mong đợi. Gia đình bệnh nhân cũng chia sẻ họ rất hạnh phúc vì đã lựa chọn đúng đắn.
Hiện Trung tâm kỹ thuật cao, Bệnh viện Xanh Pôn là một trong hai trung tâm trên thế giới ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ em với kết quả tốt, không để lại biến chứng.
Việc thực hiện thành công kỹ thuật này đã đánh dấu bước tiến mới của nền phẫu thuật nhi ở Việt Nam và mang tầm quốc tế. PGS Trần Ngọc Sơn cũng là 1 trong 2 bác sĩ đi đầu thế giới thực hiện kỹ thuật này.
Ngoài ca bệnh mang dấu ấn trên, một trường hợp bệnh nhân khác cũng gửi gắm niềm tin đối với các bác sĩ Việt Nam. Bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn trong suốt 8 năm trời, anh CD. Washington (sinh năm 1978, quốc tịch Canada) đã đến nhiều bệnh viện tại Canada để chữa trị. Dù được chỉ định phẫu thuật nhưng anh không đồng ý. Tìm hiểu các phương pháp không phẫu thuật bằng y học cổ truyền phương Đông, anh đã tìm đến Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để điều trị.
Tại Bệnh viện Quân y 175, người bệnh được chẩn đoán liệt hai chi dưới do di chứng chấn thương cột sống, đa chấn thương do tai nạn giao thông năm thứ 8, tăng huyết áp. Các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 175 đã quyết định điều trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, trị liệu điện xung kích thích cơ, từ trường toàn thân kích thích hồi phục thần kinh, tập vận động… Sau 2 tháng điều trị và nỗ lực tập luyện, bệnh nhân đã có những bước đi đầu tiên với dụng cụ trợ giúp và có thể tự đi lại bình thường sau 3 tháng.
Được biết, khoảng một năm trở lại đây, Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đón nhận nhiều trường hợp người bệnh mổ áp xe hậu môn, rò hậu môn nhiều lần tại các nước như Ba Lan, Hungary, Nhật Bản, Anh, New Zealand… không khỏi, tái phát tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị...
Có thể nói, với sự tiến bộ vượt bậc của y học trong nước, Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật, dần tiến đến tiệm cận với sự phát triển của y học thế giới. Giới chuyên môn nhận định, trình độ tay nghề của y, bác sĩ Việt Nam không thua kém bất kỳ một nền y tế phát triển nào./.