Gia tăng mắc bệnh sởi ở người lớn

Thứ sáu, 11/01/2019 11:18
(ĐCSVN) - Khi nói đến sởi, người ta hay nghĩ đến trẻ con, nhưng các chuyên gia cảnh báo rất nhiều người lớn cũng mắc sởi. Hiện nay tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 8 trường hợp người lớn bị sởi.

Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi

Trong số 8 bệnh nhân sởi đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện (BV) Bạch Mai thì có 2 sản phụ, một sản phụ đang mang thai tuần thứ 36 và một sản phụ đang mang thai tuần thứ 24. Sản phụ 30 tuổi đến từ Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết cách đây khoảng hơn 1 tuần chị thấy sốt cao, sau đó xuất hiện nốt ban đỏ. Lo lắng khi đang mang thai tuần thứ 24, chị đi khám chuyên khoa sản thì được bác sĩ chỉ định đến khám chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho bệnh nhân sởi. (Ảnh: Dương Ngọc)

Với các dấu hiệu điển hình của bệnh sởi: sốt cao, có ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng; ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều, các bác sĩ đã chỉ định chị phải nhập viện để điều trị và theo dõi.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 ca. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt như có thai, mắc các bệnh tim, phổi, thận... mãn tính.

Với thai phụ mắc sởi, PGS. TS Đỗ Duy Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường: Trẻ em và phụ nữ có thai hoặc bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...

Sau khi sốt 3 - 4 ngày, người bệnh bị phát ban đầu tiên mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân,... Sau đó ban bắt đầu bay, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Cần phân biệt bệnh sởi với ban do dị ứng (phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...). Một số trường hợp kết mạc mắt đỏ, khám họng thấy có chấm trắng trong niêm mạc miệng (hạt Koplick). Người bệnh thường ăn kém, mệt mỏi, trẻ em quấy khóc...

Sởi thường diễn biến tự khỏi, tuy nhiên có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản - phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng... Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà người bệnh vẫn còn sốt.

Về điều trị bệnh sởi, chủ yếu là các biện pháp điều trị hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể, cần đổi quan niệm là sởi thì cần phải kiêng nước kiêng gió. Sau khoảng 1-2 tuần thì sẽ hồi phục hoàn toàn.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.

Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân…).

Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.

Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực