Giải pháp hiệu quả để Việt Nam thực hiện mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”

Thứ bảy, 13/05/2023 19:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – K=K (Không phát hiện=Không lây truyền) đối với những người sống chung với HIV là một thông điệp đã được khẳng định bằng những bằng chứng khoa học cần phải tiếp tục phổ biến rộng rãi hơn nữa để mọi người đều hiểu về lợi ích của điều trị cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Chia sẻ với báo chí tại sự kiện "K=K là công cụ cân bằng trong lĩnh vực sức khỏe" trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh, K=K (Không phát hiện=Không lây truyền) là một bằng chứng khoa học hết sức quan trọng làm thay đổi cơ bản quan điểm về điều trị HIV.

 PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: ĐT

Phóng viên (PV): K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Xin bà cho biết cụ thể hơn K=K là gì, dựa trên bằng chứng khoa học nào?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Không phát hiện = Không lây truyền (thường gọi tắt là K=K) nghĩa là một người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng (được quy ước là dưới 200 bản sao/1ml máu) phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang cho bạn tình không có HIV.

Các bằng chứng điển hình là đã có ít nhất bốn nghiên cứu khác nhau trên hàng chục nghìn người không có HIV, với tổng số 128.000 lần quan hệ tình dục với người có HIV đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng (không phát hiện) cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV (không lây truyền).

Các bằng chứng khoa học trên đã được công bố tại các Hội nghị toàn cầu về Phòng, chống về HIV/AIDS năm 2017 tại Pháp và năm 2018 tại Hà Lan. Bằng chứng khẳng định “nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị và đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục” mà chúng ta thường gọi tắt là U=U hay K=K tức Không phát hiện = Không lây truyền.

Đến nay đã có hơn 1.000 tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận, xác nhận với phát hiện này bao gồm các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S CDC)…

Có thể nói bằng chứng khoa học này là hết sức quan trọng làm thay đổi cơ bản quan điểm về điều trị HIV. Điều trị cũng là dự phòng. Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với tất cả mọi người.

PV: Việt Nam đã triển khai chiến dịch này như thế nào và đánh giá của bà về hiệu quả của chiến dịch này?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Có thể nói, ngay từ năm 2017, khi thông điệp này được phổ biến tại Hội nghị quốc tế về AIDS tại Hà Lan, Việt Nam cũng đã ủng hộ và tổ chức tuyên truyền cho thông điệp này.

Tháng 9/2019, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai Chiến dịch dịch K=K cho tất cả 63 tỉnh, thành phố cũng như chính thức phát động chiến dịch quốc gia về K=K với hàng loạt hoạt động bao gồm truyền thông, tập huấn cho cán bộ và tổ chức sự kiện…

Chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khởi động Chiến dịch cấp quốc gia vào ngày 22/10/2019. Thực hiện Hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS các địa phương cũng đã tổ chức khởi động Chiến dịch này tại các tinh, thành phố. Mở đầu là sự kiện tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sau đó lan ra các tỉnh, thành phố. Trung ương và các tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và phóng viên báo chí về K=K; Các thông điệp K=K cũng được lồng ghép vào các lớp tập huấn khác cho người cung cấp dịch vụ cũng như các tổ chức cộng đồng…

Chúng tôi cho rằng, khi chiến dịch này được lan tỏa sẽ mang nhiều ý nghĩa tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng:

Cụ thể, đối với người chưa có HIV sẽ chủ động đi xét nghiệm HIV sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu có HIV sẽ được điều trị ARV sớm giúp đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Không kỳ thị với những người có HIV vì dù họ HIV nhưng nếu được điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, họ vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục. Không lo sợ lây nhiễm HIV từ bạn tình có HIV khi họ đã được điều trị ARV và có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện

Đối với người có HIV sẽ được tiếp cận điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện; Tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc; Không tự kỳ thị, vì người có HIV vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục; Xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tải lượng HIV của mình có ở mức “dưới ngưỡng phát hiện” và cũng là để biết kết quả điều trị HIV; Tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục, lâu dài.

Đối với cán bộ y tế sẽ không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV; Biết được hiệu quả điều trị ARV của người bệnh; Tư vấn cho người có HIV và bạn tình của họ về tầm quan trọng của điều trị ARV và tuân thủ điều trị.

Quan trọng nhất là đã tuyên truyền tới cộng đồng biết lợi ích điều trị của ARV để từ đó không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV…

 Cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. (Ảnh: Thùy Chi)

PV: Thưa bà, Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ ức chế HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Xin bà cho biết vì sao Việt Nam đạt được những thành quả này?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Hiện nay, Việt Nam được Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ thông báo là nước đạt tỷ lệ ức chế HIV rất cao trên thế giới, cao nhất trong các nước mà Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) đang hỗ trợ.

Để đạt được kết quả này theo tôi đó là do chúng ta làm tốt công tác truyền thông tư vấn tốt nên bệnh nhân hiểu lợi ích điều trị sớm, duy trì và tuân thủ điều trị. Mặt khác, chúng ta liên tục cập nhật các phác điều trị theo khuyến cáo của các tổ chức thế giới nên bệnh nhân được hưởng các loại thuốc và phác đồ tốt nhất theo khuyến cáo WHO. Ngoài ra, chúng ta có mạng lưới điều trị rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành và phần lớn các quận huyện cũng hơn gần 500 điểm cấp phát thuốc tại xã phường nên bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị dễ dàng.

Cùng với đó, chúng ta có nhiều mô hình và sáng kiến được triển khai như: Điều trị 2.0; Mở rộng điều trị trong ngày; cấp phát thuốc nhiều tháng... cũng là tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và tuân thủ điều trị.

PV: Vậy, làm thế nào để tiếp tục duy trì K=K hiệu quả ở Việt Nam, thưa bà?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Để duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS, K=K, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiếp tục truyền thông về K=K và tình trạng trung tính HIV, điều trị là dự phòng. Cải tiến công tác xét nghiện HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao với các mô hình khác nhau như xét nghiệm tại cộng đồng, qua trang website, tự xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm HIV và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Cùng với đó, áp dụng những khuyến cáo của WHO trong việc tổ chức hệ thống xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và theo dõi kết quả điều trị. Tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị; để cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình…

Tôi cho rằng, khi một sáng kiến hoặc một thông điệp đã được khẳng định bằng những bằng chứng khoa học có nhiều ý nghĩa như K=K cần phải tiếp tục phổ biến rộng rãi hơn nữa để mọi người đều hiểu về lợi ích của điều trị cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đó cũng là một giải pháp để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu “Kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”./.

Kha Thoa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực