Hà Nội tăng cường giường bệnh, ứng phó với số ca mắc virus Adeno tăng cao

Thứ tư, 28/09/2022 22:18
(ĐCSVN) - Trước tình hình số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno.

Từ cuối tháng 8/2022 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm virus Adeno. Trong số ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với virus Adeno, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức và Phú Xuyên. Một số quận, huyện ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca).

Trước tình hình số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno.

Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt. Đặc biệt, tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành Y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno.

Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến trung ương đảm bảo an toàn người bệnh.

Bệnh nhi nhiễm virus Adeno đang được điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu 

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về các khuyến cáo phòng, chống lây nhiễm bệnh do virus Adeno để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Sở Y tế cũng giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Adeno cho các đơn vị trong ngành.

Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đơn vị này phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, đồng thời đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống phù hợp với điều kiện của Hà Nội.

CDC Hà Nội hướng dẫn, phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh điều tra dịch tễ, xử lý các chuỗi lây nhiễm do virus Adeno, không để bùng phát, kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, kịp thời tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống; đồng thời điều tra dịch tễ, xử lý khi xuất hiện ca bệnh lây lan tại cộng đồng, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.

Ngoài ra, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh do virus Adeno, trong đó tập trung vào các nội dung như triệu chứng nhận biết khi mắc bệnh; khai báo tình trạng mắc bệnh của bản thân, người nhà và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, gồm: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi, không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...

Trẻ em, người già có nguy cơ cao nhiễm virus Adeno do sức đề kháng kém

Liên quan đến số ca bệnh nhiễm virus Adeno dương tính phát hiện tại bệnh viện Nhi Trung ương gia tăng đột biến, PGS. TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ về dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh virus Adeno.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, virus Adeno chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não… Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông.

virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Trẻ nhập viện điều trị do viêm phổi nhiễm virus Adeno khi có các triệu chứng: Khó thở, thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản; suy hô hấp hoặc giảm oxy máu (tím, SpO2 < 94%); nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng; có bệnh nền nặng (bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng...; tổn thương trên X-quang phổi như tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi.

Hiện tại ở Việt Nam chưa có vắc xin phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh đang sẵn có.

Để phòng, chống bệnh virus Adeno, PGS. TS Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo cha mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên, rửa tay thường xuyên, cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra./.

 

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực