Hành động từ trái tim!

Thứ ba, 24/03/2020 15:22
(ĐCSVN) – Gần 7.000 người Việt trong tâm dịch trở về an toàn; 700 tiếp viên không nhận lương; 280 y, bác sỹ tình nguyện trở lại bệnh viện để chống dịch… là những con số ấn tượng, đang lan tỏa, làm “tan chảy” trái tim người Việt.
 Tinh thần bất khuất, đoàn kết, vững tin chiến thắng đại dịch của Việt Nam. (Ảnh:  TL) 

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và trách nhiệm của toàn dân, toàn quân, cả nước đang đồng lòng, dốc sức để ngăn chặn đại dịch.

Khi Tổ quốc dang đôi “cánh thần”

Nhớ lại chuyến bay đầu tiên đưa đồng bào trở về từ tâm dịch Vũ Hán, cho thấy mệnh lệnh ban ra từ Chính phủ, cũng là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của mỗi người dân Việt. Từ mệnh lệnh đó, tối 9/2, tại sân bay Nội Bài, chuyên cơ HVN68 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình, đón 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước an toàn.

Trong thời khắc đó, gạt mối lo âu đang bay vào tâm dịch, các thành viên trên chuyến bay đều thấy tự hào khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng đưa đồng bào về nước an toàn.

Chỉ riêng điều này thôi đã thấy hành động quyết liệt, đầy nhân văn của Chính phủ để không ai bị bỏ lại phía sau. Chuyến bay HVN68 chính là thông điệp nhân văn đầy trách nhiệm của những người đứng đầu đất nước đối với những người con xa xứ.

Khi cuộc chiến chống lại những con vi-rút “vô hình” bắt đầu bước vào giai đoạn hai, một lần nữa nhận lệnh từ Thủ tướng, từ trái tim và tình đồng bào, hãng hàng không Quốc gia  tiếp tục lên đường sang châu Âu đón đồng bào trong tâm dịch về nước. Gần 7.000 người Việt ở các vùng tâm dịch khắp thế giới được trở về.

Và câu chuyện tình người trong cơn “bão” dịch không dừng ở đó, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng 700 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vẫn đăng ký xin làm việc hoặc nghỉ không lương trong 2-3 tháng để giảm bớt gánh nặng cho ngành. Họ vui vẻ và hài lòng với quyết định này, bởi với họ chung tay cùng cả nước chống dịch là điều quan trọng nhất.

Câu chuyện cùng hành động vì Tổ quốc, vì nhân dân vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp mọi miền đất nước. Cùng “dìu nhau” qua cơn đại dịch, mới đây 280 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội đã tình nguyện xin trở lại bệnh viện để chống dịch. Hay khi từng đoàn xe đưa đồng bào về nước; những chuyến xe đưa các chiến sĩ công an, quân đội, y bác sĩ và cả những sinh viên trường y về vùng cách ly nhận nhiệm vụ cũng làm xúc động lòng người. Hình ảnh 700 sinh viên Y khoa tình nguyện lên sân bay chặn dịch, trực đường dây nóng tư vấn; hơn 10 ngàn chiến sỹ cả tháng ngủ bạt, ăn rừng, nhường chăn gối để phục vụ người cách ly tiếp tục lan tỏa, nêu cao tinh thần tương thân tương ái vốn có của mỗi người dân Việt Nam.

Đặc biệt hơn là đội ngũ "trực chiến", trong đó có một phần không nhỏ các y bác sĩ, họ dốc hết tâm lực cho cuộc chiến chống COVID-19 những ngày qua. Hình ảnh những người nằm la liệt ở bậc thềm, bờ sân, ngủ vùi sau những giờ phút tận lực khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Họ đã mệt ở trận chiến mà họ không được phép mệt. Họ xứng đáng được ca ngợi như những anh hùng trong cuộc chiến khốc liệt còn dài này.

Hẳn chúng ta còn nhớ tấm gương em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tới Thành đoàn Hà Nội đề nghị được ủng hộ số tiền 3.180.000 đồng (là toàn bộ số tiền em được mừng tuổi dịp Xuân Canh Tý 2020) để mua khẩu trang và nước rửa tay phát cho người dân Thủ đô, góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm lay động lòng người.

Cùng với số tiền ủng hộ, Ngọc Trinh còn viết một bức thư đặc biệt gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với suy nghĩ em luôn nhớ lời Thủ tướng nhắc nhở toàn dân nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Gần đây nhất, ngày 10/3/2020 “nữ đại gia chân đất” - cách gọi thân mật của người dân xã Tân Dĩnh dành cho bà Trần Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty Bích Thủy (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã góp 50 tấn gạo trị giá 600 triệu đồng, ủng hộ các đơn vị tuyến đầu chống dịch COVID-19. Trước đó, bà Thủy cũng đã quyên góp 6 tỷ đồng để xây trường học của xã giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến lớp, đến trường. Em Nguyễn Ngọc Trinh hay bà Trần Thị Bích Thủy chỉ là hai trong hàng trăm, hàng ngàn tấm gương người tốt, việc tốt đi đầu phòng chống dịch bệnh và chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Và vẫn còn rất nhiều hành động nhỏ ý nghĩa lớn của biết bao cá nhân, tổ chức, doanh nhân, ca sĩ ... đã quyên góp tiền của, quần áo chuyên dụng... chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trong hàng nghìn người mang dòng máu Việt không thiếu những người luôn sẵn lòng đem trí tuệ, công sức và cả vật chất cống hiến cho quê hương thì cũng có không ít cá nhân sống ích kỷ, sau khi về quê hương lại có những hành động phỉ báng, chê bai đất nước, tỏ thái độ bất hợp tác, đòi hỏi vô lý. Hay có những du học sinh là “cậu ấm, cô chiêu” quen được nuông chiều tỏ thái độ chê bai cơ sở vật chất nơi cách ly và đòi hỏi nhiều hơn thế… Mong rằng những cá nhân trên sẽ sống có ý thức và trách nhiệm hơn để tri ân đúng tình người, đúng với những gì tổ quốc đã và đang làm vì họ.

Hãy hành động vì “nghĩa đồng bào”

Những ngày này, đất nước đang bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch, khi số người nhiễm đang tăng, số người bị cách ly rất nhiều. Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả các lực lượng vào cuộc, đặc biệt là sự tham gia của người dân.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ và của Ban chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn. “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cuộc chiến còn dài, chống đại dịch phải ứng phó linh hoạt với từng giai đoạn, từng thời điểm. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện tại cả nước đang bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao.

Cho biết theo dự báo của Bộ Y tế đến khoảng cuối tháng Tư là thời điểm bùng nổ cao nhất về dịch tại Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia đề xuất những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, triển khai các biện pháp hữu hiệu, cần thiết; có thể áp dụng cả biện pháp cấm bay đến Việt Nam nếu cần thiết. Đi liền với đó là kiểm soát kỹ các chuyến bay nội địa, vận tải đường sắt, đường bộ để chống lây truyền. Với chỉ đạo đó, những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước.

Cũng trên tinh thần đó, tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Chính trị mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việt Nam đã phản ứng nhanh, kịp thời và chính xác, bước đầu đạt được kết quả tốt, được nhân dân trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. “Rõ ràng, báo chí, dư luận nước ngoài khen ngợi, nếu không có hệ thống chính trị như của Việt Nam thì chưa chắc đã làm được. Toàn dân làm, các ngành, các cấp đồng bộ quyết liệt, hưởng ứng nghiêm túc. Trong đó, phải kể đến vai trò của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế. Quân đội, công an vào cuộc, các ngành, các cấp ủy đảng, các địa phương..., Mặt trận, các đoàn thể vào cuộc, kịp thời kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ, thăm hỏi động viên” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn”. Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất. Tổng Bí thư yêu cầu công tác phòng chống dịch không được chủ quan, phải làm quyết liệt, nhưng không gây tâm lý hốt hoảng hay sợ hãi quá đến mức không dám làm gì, với tinh thần tất cả vào cuộc "chống dịch như chống giặc".

Trước sự chỉ đạo quyết liệt mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ, mong rằng mỗi người dân chúng ta hãy hành động nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Chính sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của nhân dân trong từng con phố, từng ngôi nhà có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch thành công.

Hơn lúc nào, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn hành động vì lợi ích sức khoẻ, tính mạng của cộng đồng. Lúc khó khăn nhất, gai góc nhất cũng là dịp để mỗi người chúng ta hành động vì “nghĩa đồng bào”, thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất con người Việt Nam./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực