|
Mô hình sản xuất ong chúa giống thuộc là Dự án hình thành và phát triển tổ chức trung gian
của Học viện Nông nghiệp. (Ảnh: BL)
|
Nhằm hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, giúp các nhà khoa học nhanh chóng thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện Dự án “Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp”.
Chia sẻ về dự án, Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức, Chủ nhiệm dự án cho biết: Đến nay, dự án đã hoàn thành các công việc: Đã thành lập được một tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam; tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mở và nghiên cứu nhu cầu thị trường khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Bên cạnh đó, dự án đang thực hiện: Tổ chức thúc đẩy thương mại hóa khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Đáng chú ý, hỗ trợ ươm tạo 15 công nghệ, trong đó có 5 công nghệ được chuyển giao hoặc thương mại; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nhân lực phục vụ thị trường khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức, dự án đã góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của toàn lãnh đạo, giảng viên, nhà khoa học trong việc tư duy phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ theo chuỗi từ nghiên cứu đến thị trường để đem lại các nguồn đầu tư trở lại và nâng cao vị thế của Học viện, giải quyết được nút thắt lớn cho ngành khoa học và công nghệ là làm sao quản trị được tài sản trí tuệ từ các viện, trường; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giúp các nhà khoa học nhanh chóng thương mại hóa được các sản phẩm khoa học.
Bên cạnh đó, hình thành mô hình tổ chức trung gian hoạt động hiệu quả thúc đẩy chuyển giao công nghệ, gắn kết với thị trường; gắn kết các trường đại học khối nông lâm ngư đại diện cho cả nước thúc đẩy hoạt động chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ nông lâm ngư một cách hiệu quả; tăng nguồn thu từ chuyển giao công nghệ phục vụ đầu tư trở lại cho nghiên cứu khoa học; góp phần giúp các nhà quản lý nhà nước có phương hướng xây dựng được các chính sách hợp lý thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian trong việc thương mại hóa và chuyển giao công nghệ trên khắp cả nước.
Cũng thông qua dự án này, việc thí điểm ươm tạo và kết nối thành công để chuyển giao các công nghệ trong Học viện đã giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhìn nhận và tiếp cận trong việc sử dụng nguồn tài sản trí tuệ và mở ra hướng mới cho Học viện là thành lập các spin-off (là một pháp nhân độc lập được thành lập bởi một tổ chức mẹ để khai thác tài sản trí tuệ) trong Học viện; tạo ra nguồn thu chính đáng lâu dài với nguồn lực các nhà khoa học mạnh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Việc thành lập doanh nghiệp spin-off trong trường đại học sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, trình diễn, triển lãm giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ, mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, toàn diện giữa doanh nghiệp trong trường đại học với doanh nghiệp - đối tác trong và ngoài nước.
Đánh giá về kết quả của dự án, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: Thành công đầu tiên của dự án này đó là đã thiết kế được một mô hình trung tâm chuyển giao mang dáng dấp, phương thức hoạt động của các trung tâm chuyển giao công nghệ châu Âu. Đây là mô hình rất tiên tiến, hiện đại, trên cơ sở hoạt động độc lập tự chủ, được phép liên doanh liên kết với các tập đoàn, đơn vị doanh nghiệp để cùng ươm tạo công nghệ và chuyển giao cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong nội dung hoạt động của trung tâm, triển khai cả ba con đường thương mại hóa kết quả nghiên cứu gồm: Chuyển giao hẳn quyền sở hữu kết quả cho các doanh nghiệp; cấp quyền li-xăng (hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) cho doanh nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp cùng góp vốn đầu tư triển khai thương mại hóa công nghệ cụ thể.
Ngoài ra, thông qua dự án đã xây dựng được cơ sở dữ liệu công nghệ sẵn sàng chuyển giao; đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý tổ chức trung gian, quản lý sở hữu trí tuệ và hoạt động dịch vụ, chuyển giao, thương mại công nghệ cho các nhà khoa học, nhà quản lý và nhân lực trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Dự án đã mời chuyên gia chuyển giao công nghệ của Bỉ, Hà Lan đào tạo trực tiếp và tư vấn online; đồng thời đã hỗ trợ đàm phán ký kết hợp tác ươm tạo công nghệ với các tập đoàn lớn…
Theo ông Phạm Đức Nghiệm: Hiện nay, có tình trạng các kết quả nghiên cứu được nhà nước đầu tư nhưng lại không được chuyển giao ra ngoài sản xuất và hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học không có quy chế quản lý tài sản sau nghiên cứu… dẫn đến lãng phí. Trong khi đó, doanh nghiệp rất cần được chuyển giao công nghệ nhưng không biết tìm ở đâu và nếu tìm được lại không biết đàm phán thế nào, vì không có người, đơn vị chuyên nghiệp giúp đưa ra phương án để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thiết lập hợp đồng giữa hai bên một cách khoa học, thúc đẩy quá trình chuyển giao, đảm bảo cho lợi ích của các bên…
Đó là lý do Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2020, đã thúc đẩy nội dung các trường đại học hình thành đơn vị tổ chức trung gian, với tên gọi có thể là trung tâm chuyển giao công nghệ hay trung tâm đổi mới sáng tạo… Tuy nhiên, chức năng chính của trung tâm là làm nhiệm vụ giúp nhà trường đánh giá, sàng lọc lại tất cả các cơ quan nghiên cứu và chọn ra các kết quả nghiên cứu có tiềm năng để làm phương án chuyển giao; xây dựng phương án đàm phán chuyển giao cho doanh nghiệp và tìm được doanh nghiệp để kết nối chuyển giao các công nghệ.