Hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ, phục vụ hạ tầng số cho xã hội

Thứ tư, 22/07/2020 17:44
(ĐCSVN) - Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10/2020 nhằm sớm đáp ứng nhu cầu phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ hạ tầng số cho xã hội hiện đại.
 Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Hoàng Minh)

Thông tin trên được ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đưa ra tại cuộc họp triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020 vào ngày 22/7.

Theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, 6 tháng đầu năm, Cục đã hoàn thành công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ. Cục đã tiếp nhận và giải quyết các đơn thư, các ý kiến hỏi đáp trên hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân kịp thời, đúng quy định; trả lời các ý kiến của các Sở TN&MT; các ý kiến hỏi đáp trên hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân kịp thời, đúng quy định (1 ý kiến bằng văn bản và 35 ý kiến trên hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân).

Cục đã hoàn thành công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đối với Thông tư quy định kỹ thuật xây dựng lưới trọng lực quốc gia do Viện Khoa học đo đạc và bản đồ chủ trì, thời gian ban hành tháng 09/2020, Bộ đã ban hành Quyết định số 413/QĐ-BTNMT ngày 14/2/2020 về việc Thành lập Tổ soạn thảo. Hiện Tổ soạn thảo đã hoàn thành xây dựng dự thảo Thông tư gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải.

Về dịch vụ công trực tuyến, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hoàn thành dự thảo Quyết định ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ của Bộ TN&MT; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường thực hiện tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Kế hoạch, lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, Cục đã tiếp nhận, xử lý và trả kết quả 1.893 hồ sơ (bao gồm: trực tuyến 526 hồ sơ; trực tiếp 1.361 hồ sơ và bưu điện 06 hồ sơ). Về cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, tính đến ngày 9/7/ 2020, Cục đã tiếp nhận, xử lý và trả kết quả 189 hồ sơ.

Cục đã triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Hiện Cục đã xây dựng xong dự thảo Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, dự thảo Chiến lược và tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo. Hiện đang gửi xin ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với dự thảo Chiến lược. Dự kiến tháng 10/2020 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ được giao.

Nhằm triển khai hiệu quả công tác 6 tháng cuối năm 2020, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, Cục sẽ sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10/2020 nhằm sớm đáp ứng nhu cầu phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ hạ tầng số cho xã hội hiện đại. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ; kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, Cục thực hiện một số nhiệm vụ chuyển tiếp: hoàn chỉnh Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia Việt Nam; xây dựng bộ bản đồ chuẩn và cơ sở dữ liệu bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý các tỷ lệ khu vực các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ (hoàn thành tỉnh Thừa Thiên - Huế); xây dựng cổng thông tin địa lý Việt Nam và tích hợp dữ liệu khung... 

Cục cũng trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt 2 dự án đầu tư: “Đầu tư hạ tầng xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử", “Hiện đại hoá hệ thống độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển”./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực