Dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong giống mới và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến mật ong xuất khẩu" vừa được được Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên nghiệm thu, đang mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi ong nhằm khai thác tận dụng tối đa nguồn lợi từ cây nhãn ở địa phương.
|
Kiểm tra đàn ong lấy mật hoa nhãn ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên). (Nguồn: vietlinh.vn) |
Dự án do Công ty TNHH Thành Yên thực hiện từ năm 2011 đã xây dựng thành công mô hình nuôi ong Ý giống mới và ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản mật ong cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Trong đó, sử dụng công nghệ tinh chế giảm tối đa thủy phần trong mật ong, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong quá trình thực hiện, Dự án đã tuyển chọn 15 hộ nuôi ong có kinh nghiệm tham gia, các hộ được hỗ trợ ban đầu 400 đàn ong Ý với thế đàn trung bình là 8 đến 10 cầu/đàn. Sau 2 năm triển khai, Dự án đã nhân lượng ong chúa và nhân đàn 1.260 đàn ong, giảm tối đa chi phí mua giống ong giá cao trước đây.
Theo các hộ nuôi ong tham gia dự án: Vào mùa nhãn tất cả các đàn ong được đưa về Hưng Yên để thu hoạch mật hoa nhãn. Kết quả cho thấy, đàn ong Ý cho tỉ lệ mật từ hoa nhãn khá cao, tại Hưng Yên năng suất đạt cao nhất với trung bình hơn 23 kg/đàn mỗi đợt. Nếu thời tiết thuận lợi, một vụ hoa nhãn có thể thu hoạch được 4 đến 5 đợt, cho sản lượng từ 90 đến 110 kg mật, cao hơn 30% so với thu từ nguồn mật của các loại cây khác ở các tỉnh ngoài. Để duy trì chất lượng sản phẩm, Dự án áp dụng phương pháp lọc phiếm để hạ thủy phần, với hàm lượng nước dưới 19%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Về hiệu quả kinh tế, ông Lê Quốc Chữ, Giám đốc Công ty TNHH Thành Yên cho biết: So với nuôi ong nội, đàn ong ngoại giống Ý cho lợi nhuận vượt trội trong cùng một điều kiện nuôi, chăm sóc như nhau. Chi phí bảo vệ thú y cho đàn ong Ý không đáng kể do ong này ít bị bệnh và khỏe hơn ong nội. Lợi nhuận từ giống ong Ý đạt 250 triệu đồng/100 đàn, trong khi giống ong nội chỉ đạt 112 triệu đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế ong Ý cao gấp hơn 2 lần so với ong nội.
Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 5 nghìn ha nhãn, trong đó, gần 4 nghìn ha đang cho thu hoạch. Đây là điều kiện lý tưởng cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh. Tuy nhiên, do kỹ thuật còn nhiều hạn chế, đầu ra sản phẩm thường trôi nổi theo thị trường nên những năm gần đây nghề nuôi ong bị mai một, riêng đàn ong nội không còn nhiều, sản lượng mật ngày một giảm. Theo đó đã bỏ phí tiềm năng sẵn có từ cây nhãn. Do vậy, Dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong giống mới và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến mật ong xuất khẩu" thành công sẽ góp phần khôi phục nghề nuôi ong ở đất nhãn theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại lợi nhuận cao, tăng thêm nguồn thu từ cây nhãn./.