Hút thuốc lá là mối nguy hiểm gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thứ ba, 22/11/2022 15:48
(ĐCSVN)- Theo số liệu Điều tra Quốc gia về tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở Việt Nam có đến 4,2% dân số mắc COPD. Tỉ lệ này ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá, kế đến là ô nhiễm môi trường.

Tuy COPD có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhưng nó là căn bệnh có thể dự phòng và điều trị được. Dấu hiệu đặc trưng của COPD là các triệu chứng hô hấp và tắc nghẽn đường thở. Bệnh có xu thế tiến triển nặng dần và liên quan tới phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Các đợt COPD cấp và bệnh đồng mắc góp phần vào mức độ nặng ở mỗi bệnh nhân.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Nơi – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra COPD, có khoảng 15% những người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng COPD và 80 - 90% người mắc COPD là nghiện thuốc lá. Hút thuốc lá làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này trở nên mạnh hơn. Đặc biệt, những người hút thuốc là bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc. Người hút thuốc có tỉ lệ tử vong do bệnh COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây COPD, như: khói hóa chất, bụi bặm, ô nhiễm không khí trong nhà (đốt các nhiên liệu trong quá trình sưởi hoặc nấu ăn), ô nhiễm không khí ngoài trời, bụi nghề nghiệp và hóa chất, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ.

Bệnh này ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở, như: ho kéo dài, ho có đàm (đàm màu trắng, màu vàng xám hoặc màu xanh lá cây, đôi khi có thể đi kèm vệt máu), bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại (cúm và cảm lạnh), khó thở (đặc biệt khi gắng sức), cảm giác thắt chặt ở ngực, thở khò khè, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh.

Một số triệu chứng nặng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện, như: bệnh nhân cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện được, môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh hoặc màu xám, rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim nhanh.

COPD có nguy cơ bị các biến chứng sau: rối loạn nhịp tim, suy tim, cao áp phổi, nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi nặng do virus hoặc nấm).

TS.BS Nguyễn Trọng Nơi cho biết, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD, phương pháp tốt nhất để đối phó là phòng ngừa và làm giảm triệu chứng. Mục tiêu điều trị bao gồm: giảm các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. Vaccin ngừa bệnh cúm và phế cầu là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nhiễm trùng hô hấp và làm chậm diễn tiến của bệnh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp: Hãy nhanh chóng thay đổi lối sống và tuân thủ các phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, lấy lại khả năng hoạt động bình thường và làm chậm tiến triển của bệnh. Bao gồm: Bỏ hút thuốc và tránh các chất kích thích phổi (ô nhiễm không khí, hơi hóa chất, bụi).

Khám sức khỏe thường xuyên: tái khám đúng hẹn và đầy đủ. Tiêm vaccin ngừa cúm và viêm phổi do phế cầu. Làm giảm triệu chứng của bệnh: có chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ calo, tích cực hoạt động (thường xuyên tập thể dục).

Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, đa số bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng, có đến 90% người mắc COPD vào điều trị tại đây là nghiện thuốc lá. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. COPD đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn, được khẳng định chẩn đoán dựa vào kết quả đo hô hấp ký. Bệnh tiến triển kéo dài nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong”.

Tại Bệnh viện đa khoa Thành phố Hà Tĩnh, hiện tại đang quản lý và điều trị ngoại trú cho 326 bệnh nhân COPD. Bác sỹ Trương Quang Thắng, tổ trưởng Phòng tư vấn, điều trị COPD – Hen, Bệnh viện đa khoa Thành phố cho rằng: “Hầu hết các bệnh nhân COPD vào điều trị tại đây đều có tiền sử hút thuốc lá. Người hút thuốc có tỷ lệ gây tàn phế và tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc lá do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD. COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân, nếu bệnh nặng hơn bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp, tâm phế mạn (tức bệnh nhân bị bệnh tim do bệnh phổi gây ra, với biểu hiện sưng, phù ở chi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi lên) và cuối cùng dẫn đến tử vong”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực