Hút thuốc lá thụ động – Mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng

Thứ ba, 22/11/2022 15:27
(ĐCSVN)- Nhiều người cho rằng không hút thuốc thì sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng, thế nhưng đây là quan niệm sai lầm. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạn chỉ cần ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ thì số hóa chất độc hại được cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ ngày.

Hút thuốc thụ động là hít phải (phơi nhiễm) khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút phả ra. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc thậm chí là nghiêm trọng hơn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Thực tế, khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hại hơn cả khói thuốc được người hút hít vào. Vậy nên mới xảy ra trường hợp nhiều người không hút thuốc nhưng vẫn mắc các bệnh mãn tính về phổi, chỉ vì trong gia đình có người thường xuyên hút thuốc.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.

Khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.

Những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. Mỗi năm trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, trong đó quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Sau gần 10 năm thực hiện Luật đã có những sự thay đổi tích cực như tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm tuy nhiên vẫn còn có những trường hợp người dân ý thức chưa cao.

Giải pháp giúp ngăn ngừa nhiễm khói thuốc là phải tạo môi trường sống không khói thuốc. Để làm được điều đó trước hết người hút thuốc lá chủ động phải tự giác bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, trong trường hợp chưa thực hiện được ngay thì phải có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, ngoài những địa điểm công cộng đã được quy định cấm hút thuốc lá, và đặc biệt là tránh xa trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già.

Bên cạnh sự tự quyết tâm của chính bản thân những người hút thuốc lá thì người thân và cộng đồng cũng cần tích cực hơn nữa trong việc thuyết phục, tuyên truyền, vận động những người này tuân thủ theo đúng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tốt nhất là hãy bỏ thuốc lá trước tiên vì chính sức khỏe của bản thân và gia đình họ, rộng hơn nữa là cho cộng đồng./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực