Kết nối và phát huy các nguồn lực để startups Việt nhìn ra thế giới

Thứ ba, 10/12/2019 21:06
(ĐCSVN) - Hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để startups Việt nhìn ra thế giới” nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, từ các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Ngày 10/12, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để startups Việt nhìn ra thế giới”. Sự kiện nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, từ các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hội thảo được bảo trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, cùng sự tham gia của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel

     Hội thảo thu hút đại diện quản lý nhà nước, các tổ chức đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và startup. (Ảnh: BL) 

Hội thảo được tổ chức là cơ hội gặp gỡ của những nhân tài Việt tại nhiều quốc gia, cũng như những người nước ngoài có dấu ấn tốt đẹp tại Việt Nam. Không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là cầu nối để người tham dự và startups (doanh nghiệp khởi nghiệp) có hướng nhìn mới về thị trường trong tương lai và nhận biết các xu thế đang được quan tâm hiện tại.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã nhấn mạnh về những kết quả tốt đẹp từ Ngày hội khởi nghiệp Techfest Vietnam 2019 tại Quảng Ninh với số tiền ban đầu là 750 triệu  USD đầu tư cho startup từ hành trình các hoạt động khởi nghiệp trong năm vừa qua.

Thứ trưởng cho biết, hành trình đưa startup Việt ra nước ngoài đã thu hút hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp thành công nhất trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Mỗi bước đi trên hành trình đó, startup Việt cùng với các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ra quốc tế của Bộ KH&CN đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tổ chức, cá nhân có tâm huyết với các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt Bộ đã thực hiện ký hợp tác với nhiều tổ chức lớn của nước ngoài trong việc đào tạo tri thức, kiến thức cho khởi nghiệp, được ví như “Nguồn lực mềm” – yếu tố được cho là rất quan trọng để phát triển khởi nghiệp sáng tạo.

Cũng tại Hội thảo, Bà Marie C. Damour – Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp. HCM đã thể hiện niềm vui mừng và hào hứng với sự phát triển rất nhanh của startup Việt trong những năm gần đây. Qua hơn 20 năm, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Mỹ, đến nay, đã đạt thành quả về kinh tế với 60 tỷ đô giao thương năm 2018, Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng được Hoa Kỳ nhắm tới. Thêm nữa với hơn 30 ngàn du học sinh Việt tại Mỹ, việc phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nhắm tới thị trường công nghệ của Mỹ.

Với vai trò kết nối từ cơ quan quản lý và triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiến sĩ Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ: Các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ có mục tiêu không tập trung ở những con số nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ hay startup mà ngắn gọn là gọi được vốn cho khởi nghiệp. Mục tiêu của Đề án 844 – Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến 2020 là thu hút được 1000 tỷ đồng đầu tư cho startup và từ mua bán sát nhập doanh nghiệp, đến 2025 con số này sẽ là 2000 tỷ đồng./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực