Khai mạc Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022

Thứ năm, 24/11/2022 16:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022 là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học - Truyền máu trong cả nước tổ chức Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022. Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, ngành Huyết học - Truyền máu đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là tiếp nhận đủ máu, đảm bảo cho công tác cấp cứu và điều trị.

PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: ĐT

Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc.

Không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm; báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học đã làm được; cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời, Hội nghị còn là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành được gặp gỡ, kết nối tình thầy trò, đồng nghiệp.

PGS. TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh: “Trong những năm vừa qua, ngành Huyết học – Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện: điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân, có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền”.

Về định hướng thời gian tới, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh cho biết, ngành Huyết học – Truyền máu sẽ tập trung vào những kỹ thuật mới nhất mà trong khu vực và trên thế giới đang phát triển: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, điều trị tế bào (như liệu pháp CAR-T cell), điều trị nhắm đích bằng thuốc mới. Những trị liệu như vậy giúp tiên lượng, điều trị bệnh nhân chính xác hơn nhiều so với trước kia, giúp người bệnh cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống và khỏi bệnh trong một số trường hợp.

Hội nghị lần này có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước là chuyên gia đầu ngành về Huyết học - Truyền máu Việt Nam, bác sỹ, dược sỹ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc. Đây là kỳ hội nghị có số lượng đại biểu đăng ký đông nhất từ trước đến nay.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội nghị. Ảnh: ĐT

Năm nay, Ban Tổ chức đã xây dựng chương trình phiên toàn thể (3 phiên) kéo dài hơn so với các kỳ hội nghị trước để tăng hàm lượng cập nhật kiến thức chuyên môn. Đặc biệt, thông qua gần 150 bài chuyên luận, báo cáo khoa học có chất lượng của các chuyên gia quốc tế, nhà khoa học trong nước, các đại biểu sẽ được cập nhật những thành tựu, tiến bộ trong lĩnh vực ghép tế bào gốc, tế bào gốc trung mô - ứng dụng lâm sàng, liệu pháp trị liệu...

Bên cạnh 3 phiên toàn thể, sẽ có 9 phiên báo cáo theo các chuyên đề: Huyết học lâm sàng, Cận lâm sàng, Truyền máu, Tế bào gốc, Đông máu, Thalassemia, Miễn dịch - Di truyền - Sinh học phân tử… Ban Tổ chức còn dành trọn 3 phiên cho các báo cáo viên trẻ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được phát huy khả năng, trình độ chuyên môn, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tiếp tục học tập và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của chuyên khoa Huyết học - Truyền máu.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần này cũng diễn ra Đại hội đại biểu Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2022 - 2027), Đại hội đại biểu Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam và các sự kiện bên lề như: triển lãm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm; hội thảo vệ tinh, báo cáo giới thiệu sản phẩm của đơn vị tài trợ.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực