Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập được Bộ Y tế ban hành ngày 30/6 có hiệu lực trong 6 tháng, từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2023. Từ 1/1/2024, Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực thi hành và các đơn vị liên quan sẽ xây dựng các văn bản mua sắm đặc thù trong lĩnh vực y tế để chính sách được ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo đánh giá của nhiều bệnh viện, trong đó có đánh giá của Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 14 này đã tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện nên các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế, linh kiện, vật tư thay thế cũng như dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế. Đáng nói, Thông tư được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế mà không phải e ngại như trước.
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về các quy định liên quan đến Thông tư số 14 này.
|
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Đỗ Thoa |
PV: Thưa ông, vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ông có đánh giá như thế nào về Thông tư này?
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ: Như quý độc giả cũng đã biết, sau khi chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19 thì câu chuyện trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều có chung thực trạng là thiếu do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu do đứt chuỗi cung ứng. Đây cũng là một nguyên nhân rất lớn sau mấy năm chúng ta trải qua dịch bệnh.
Nguyên nhân thứ hai là do chủ quan, khách quan khác, ví dụ như là do các văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề mua sắm, đấu thầu, thuốc, vật tư. Có những điều không phù hợp nữa nên chúng ta cần phải chỉnh sửa. Do vậy, các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện lớn đã có báo cáo với Bộ Y tế, với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan và Bộ Y tế đã vào cuộc một cách quyết liệt.
Ngày 4/3/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề quản lý mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Tiếp sau đó là Thông tư số 14 của Bộ Y tế vừa được ban hành. Đây là văn bản thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ, trong đó tập trung vào hướng dẫn các bệnh viện xây dựng trình tự, thủ tục xây dựng, giá gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đây là một Thông tư hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư để phục vụ khám, chữa bệnh mà trong thời gian vừa qua các bệnh viện công lập gặp nhiều vướng mắc do các văn bản trước đó chưa thực sự là chuẩn hóa. Có thể nói, Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã mở ra cho các các bệnh viện, các cơ sở y tế, đặc biệt là đối với cơ sở y tế công lập và các bệnh viện có cơ hội để mua sắm hóa chất, vật tư, thiết bị, linh kiện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và được thể chế hóa bằng Thông tư số 14.
|
Thông tư 14 là một văn bản luật đã giúp cho các bệnh viện có cách xây dựng trình tự giá gói thầu một cách chuẩn mực. Ảnh: TL |
PV: Cụ thể, Thông tư 14 sẽ "gỡ khó" cho Bệnh viện Bạch Mai ở những điểm nào, thưa ông?
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ: Như tôi đã trình bày ở trên, Thông tư 14 là một văn bản luật đã giúp cho các bệnh viện có cách xây dựng một trình tự làm thế nào để xây dựng giá gói thầu chuẩn mực. Đấy là cái hết sức quan trọng bởi khó nhất của một gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất đó chính là xây dựng giá.
Thông tư 14 này đã giúp cho các bệnh viện xây dựng trình tự này và phương pháp thì hết sức rõ ràng và dễ làm. Đặc biệt, với Thông tư 14 này thì giúp cho các bệnh viện có thể mua được các vật tư, thiết bị y tế mà trước đây chúng ta đòi hỏi phải có ba báo giá như các thông tư cũ quy định trước đây thì nay không cần. Thông tư 14 nêu rõ, trong trường hợp bảo dưỡng có thể có 1-2 báo giá, chủ đầu tư sẽ giao hội đồng xem xét, lựa chọn mà không phải chờ đủ 3 báo giá.
Xuất phát từ Nghị quyết 30 của Chính phủ và thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ, Thông tư 14 lần này đã quy định rất rõ có những thiết bị, vật tư, hóa chất đặc chủng, những thiết bị, vật tư mới phát minh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam mà chỉ có một công ty phân phối, chỉ có một hãng phân phối, chỉ có trên thế giới nhưng rất cần thiết cho công tác khám, chữa thì bây giờ các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện K hoàn toàn có thể mua được các thiết bị này mà không cần phải có 3 báo giá. Đồng nghĩa với nó là gì, là việc mà chúng ta hội nhập được, chúng ta phát triển được các kỹ thuật mới tiên tiến để thực hiện tại các cơ sở y tế của Việt Nam. Làm sao cho người dân có được cơ hội tiếp cận với những kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến, được chữa bệnh trong điều kiện ở Việt Nam nhưng lại được ứng dụng những các kỹ thuật mới, tiên tiến mà thế giới mới có.
Nếu như trước đây, chúng ta cứ yêu cầu, cứ áp dụng ba báo giá thì các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai- là những đơn vị đầu tiên ứng dụng, cập nhật những kỹ thuật cao của thế giới vào công tác khám chữa bệnh mà yêu cầu báo giá như vậy thì việc cập nhật kỹ thuật tiên tiến là không thể thực hiện được. Nay Thông tư 14 mở ra cho các bệnh viện lớn có cơ hội cập nhật kỹ thuật mới và người dân là người mà được hưởng lợi từ thông tư này.
Thêm một điều nữa cần phải đề cập là trước đó đã có rất nhiều thiết bị y tế, các máy như máy chiếu chụp, máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp vi tính (CT)… chỉ hỏng một linh kiện trong cái máy đó và nhiều máy khác phải đắp chiếu nhiều năm vì phải chờ 3 báo giá khi mà chưa có Nghị quyết 30.
|
Máy PET-CT, hệ thống máy tiền tỉ đã từng bị dừng hoạt động tại Bệnh viện Bạch Mai trước kia. Ảnh: TL |
Chẳng hạn, hỏng linh kiện một cái bóng trong máy của một hãng nào đấy nhưng cái máy này chỉ có một công ty phân phối tại Việt Nam, trong khi đó các cơ quan chức năng lại yêu cầu phải có ba báo giá thì chúng ta không bao giờ có thể mua được linh kiện. Chuyện đấy là chuyện không tưởng, nhưng mà bây giờ, Thông tư 14 này đã quy định rất rõ, hoàn toàn các bệnh viện có thể mua được các thiết bị này với một báo giá của một công ty và đây là cái mà tôi cho rằng là hết sức cần thiết và cởi trói mạnh mẽ cho các bệnh viện.
Cần khẳng định rằng Thông tư đã đi vào thực tiễn khi ban hành và trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 14 này thì Bộ cũng tham khảo ý kiến của các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn có ý kiến và đồng hành trong quá trình xây dựng. Các bộ, ngành cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến trước khi ban hành Thông tư này.
Tôi cho rằng đây là một Thông tư – một văn bản luật hết sức quan trọng, rất có giá trị để hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay. Trong lúc mà chúng ta chờ các Thông tư, Nghị định mới được ban hành từ một loạt các luật, văn bản luật vừa được Quốc hội thông qua. Ví dụ như Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật giá… thì lúc này chúng ta có Thông tư 14 của Bộ Y tế để áp dụng.
PV: Bệnh nhân sẽ được hưởng lợi như thế nào khi Bệnh viện đã được "cởi trói" về quy định mua sắm, thưa ông?
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ: Rõ ràng người bệnh đến với bệnh viện để khám, chữa bệnh thì ngoài việc cần một đội ngũ cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, tận tình, tận tâm về công tác phục vụ thì bệnh viện cần phải có cơ sở hạ tầng tốt, trang thiết bị tốt, đầy đủ và đủ đảm bảo thuốc để cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Như thế mới có thể phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh. Và nếu như việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất khó khăn thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta bị thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất như trong giai đoạn vừa qua.
|
Người bệnh đến khám và điều trị sẽ không phải đợi chờ đợi lâu. Ảnh: TL |
Thông tư 14 này được ban hành đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong công tác mua sắm hóa chất, vật tư, thiết bị y tế. Đây là điều làm cho các bệnh viện sẽ có cơ hội có đủ thiết bị, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, dẫn đến người bệnh được hưởng lợi từ việc công tác chẩn đoán, công tác điều trị và đặc biệt nữa là người bệnh đến khám và điều trị không phải đợi chờ đợi lâu.
Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đang hết sức nỗ lực và thực hiện triển khai việc mua sắm. Trước đây, rất nhiều đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, thiết bị y tế của bệnh viện chúng tôi không thực hiện được bởi chúng tôi phải mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế dựa theo Thông tư 58, Thông tư 68.
Theo quy định của Thông tư 58, Thông tư 68 và các quy định về đấu thầu trước đó sẽ khó khăn vì vật tư trang thiết bị y tế là đặc thù không giống hàng hóa bình thường khác. Có những hàng hoá, sản phẩm hay linh kiện chỉ có 1 công ty, 1 hãng sản xuất, 1 nhà phân phối. Đặc biệt đối với hóa chất thì thường theo máy, mà đấu thầu đi mua hóa chất khác không dùng được với máy đang có. Cùng đó là quy định trước đây việc mua sắm trang thiết bị y tế đòi hỏi 3 báo giá, nếu không đấu thầu không có 3 báo giá thì rơi vào trạng thái chỉ định thầu. Tuy nhiên, Thông tư 14 lần này đã giải quyết tất cả vấn đề đó. Trong trường hợp chỉ có 1-2 báo giá vẫn làm giá gói thầu. Việc tháo gỡ này sẽ lựa chọn mua sắm được vật tư thiết bị y tế đang chỉ có ít nhà cung cấp. Cùng đó, trước đây phải đi tìm giá rẻ thấp nhất, rất khó khăn để mua được vật tư thuốc tốt nhất để dùng cho người bệnh. Giờ các bệnh viện có thể mua được vật tư, trang thiết bị với giá cao nhất, phù hợp với chuyên môn để phục vụ tốt nhất cho người bệnh.
Như vậy, với sự ra đời của Thông tư 14 này sẽ tháo gỡ cho chúng tôi rất nhiều khó khăn và chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất để đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh trong thời gian tới.
PV: Có lo ngại cho rằng, việc trao quyền cho chủ đầu tư được phép lựa chọn gói giá thầu cao nhất thì có đảm bảo “giá cao đi liền với chất lượng” và có hay không chuyện “đội giá gói thầu”, cố tình bỏ qua gói thầu giá thấp trong mua sắm trang thiết bị y tế…, vậy liệu lo ngại này có xảy ra không, thưa ông?
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ: Thông tư 14 lần này cho phép các chủ đầu tư có thể quyết định được việc mình chọn mua mặt hàng cho phù hợp với điều kiện của bệnh viện, với khả năng tài chính của bệnh viện và đặc biệt là nhu cầu khám, chữa bệnh của bác sĩ; nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Thông tư quy định rất rõ, cho phép chủ đầu tư dựa vào hội đồng khoa học của Bệnh viện hay của Sở Y tế để căn cứ thực tiễn, căn cứ năng lực tài chính để quyết định giá định mua của thiết bị vật tư phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện ở mức độ nào.
|
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: TL |
Ví dụ như bệnh viện cần một cái máy, thiết bị để phục vụ tính năng, yêu cầu nó như thế này đối với các điều kiện kỹ thuật của bệnh viện mà bệnh viện lại không mua được cái thiết bị đó thì dẫn đến người bác sĩ không thực hiện được năng lực kỹ thuật của mình và người bệnh không có cơ hội được hưởng những kỹ thuật hiện đại mà người bác sĩ có thể đem lại cho mình. Như vậy, Thông tư 14 đã giải quyết được các việc này. Đây là cái mà tôi khẳng định là đem lại lợi ích, lợi ích cuối cùng là lợi ích cho người bệnh. Đấy là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là, việc trao quyền cho các Hội đồng khoa học chứ không phải chỉ trao quyền cho giám đốc Bệnh viện, bệnh viện sẽ làm việc hết sức khoa học là trước khi mua sắm một linh kiện, một vật tư, thiết bị thì bệnh viện họp Hội đồng khoa học kỹ thuật. Đây là một Hội đồng hết sức quan trọng với ngành y vì chỉ những người trực tiếp làm, trực tiếp tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh thì mới hiểu được là mình đang cần cái gì.
Nếu như chủ đầu tư (tức là bệnh viện) mua bằng ý chí chủ quan hoặc là với những quy định trước đây mình mua giá những thiết bị, vật tư với giá rẻ nhất thì đã xảy ra những câu chuyện hết sức hài hước, đó là câu chuyện Bệnh viện Chợ Rẫy mua con dao rạch ba lần mới rách da, hay là Bệnh viện Bạch Mai mua phải cái xông hút cho bệnh nhân thì khi hút qua phế quản, vào phế quản gây chảy máu mũi cho người bệnh. Đấy là câu chuyện hết sức vướng mắc trước đây… còn bây giờ rõ ràng là Thông tư này đã cho trao quyền cho các bệnh viện và từ đấy các bệnh viện dựa vào các Hội đồng khoa học mang tính khách quan để mua sắm và các bệnh viện bắt buộc phải đi đúng trình tự của Thông tư quy định thì sẽ không gặp vướng về luật pháp. Và bên cạnh Thông tư 14 thì cũng còn rất nhiều các văn bản pháp quy khác nữa để chi phối việc mua sắm chứ không phải chỉ có mỗi Thông tư 14 này. Do vậy, chúng ta không lo ngại Thông tư này trao quyền cho các bệnh viện, trao quyền cho các chủ đầu tư thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng và dẫn đến việc có thể đội giá gói thầu…
Điều quan trọng nhất tôi cho rằng đó là ý thức của các chủ đầu tư và những người trực tiếp làm công tác mua sắm cần hết sức nghiêm túc chấp hành các quy định, văn bản về phòng, chống tham nhũng thì sẽ đẩy lùi, khống chế được việc nâng giá vật tư y tế như thực trạng xảy ra trong thời gian vừa qua. Đây cũng là điều mà Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đã và đang hết sức quyết liệt thực hiện, thực sự là phải giám sát chặt chẽ…
Tôi cho rằng, dù có văn bản này hay những văn bản khác đi chăng nữa thì việc giáo dục ý thức và việc giám sát vẫn mang tính chất hết sức quan trọng trong quá trình quản lý và hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện việc mua sắm, quản lý thuốc, hóa chất, vật tư. Thực hiện được những điều này thì mới tránh được việc tham nhũng.
PV: Theo ông, Thông tư 14 cần sửa đổi, bổ sung điều khoản nào nữa không để Bệnh viện công được thuận lợi hơn trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị y tế đảm bảo chất lượng tốt nhất nhằm phục vụ bệnh nhân?
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ: Như tôi đã trình bày ở trên, Thông tư 14 ra đời để giải quyết những tình trạng cấp bách hiện nay trong việc mua sắm hàng hóa, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập và để thể chế Nghị quyết 30 của Chính phủ. Thông tư được ban hành trong lúc chúng ta chờ các Thông tư, Nghị định khác mà Bộ Y tế cũng như các bộ, ban, ngành khác của Chính phủ đang phối hợp để ban hành khi một loạt các luật vừa được Quốc hội bấm nút thông qua tại các kỳ họp gần đây, trong đó có Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, Luật đấu thầu, Luật về giá,…
Một loạt các luật kể trên khi có hiệu lực thi hành và chắc chắn những Thông tư, Nghị định hướng dẫn từ các luật trên sẽ chi tiết hơn, sẽ đầy đủ hơn, bao phủ các nội hàm của các văn bản hơn./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ!