|
Bà Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh |
Bà Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với phóng viên như vậy xung quanh việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được cho phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược sĩ. Phóng viên (PV): Nhiều ý kiến cho rằng, điểm đầu vào xét tuyển của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vốn đã rất thấp, giờ Bộ Giáo dục& Đào tạo (GD&ĐT) cho phép trường này được đào tạo ngành Y - dược, như vậy có đảm bảo chất lượng đào tạo không, thưa bà?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Thực ra hiện nay, không chỉ riêng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà cả một số trường dân lập tuyển sinh ngành Y – dược với số điểm đầu vào rất thấp. Tôi chưa có ấn tượng nhiều về trường này nên không dám bình luận. Nhưng rõ ràng, đào tạo Y dược không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác phải ở top điểm cao nhất. Thực ra, tôi không nói rằng, chỉ qua một kỳ thi đại học hay như hiện nay, Bộ GD&ĐT cho chung hai kỳ thi đánh giá được hết năng lực của học sinh. Vẫn có trường hợp thí sinh điểm thi không thật cao nhưng vẫn học rất giỏi, ngược lại có thí sinh thi đầu vào rất cao nhưng vào học không được. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cũng phải đáp ứng một chuẩn nào đó. Còn cụ thể như thế nào thì các cơ quan hữu quan sẽ phải có ý kiến, phải đảm bảo chất lượng, còn nếu không đạt chất lượng thì chúng ta mạnh dạn không đồng ý. Tránh trường hợp lời nói không đi đôi với việc làm.
Ở đây, Bộ Y tế cũng rất nhiều lần kêu ca phàn nàn về chất lượng của các bác sĩ, dược sĩ ra trường và loạn đào tạo về y dược quá nhiều. Các Bộ phải thống nhất với nhau. Phải đánh giá một cách thực sự khách quan, công bằng trên thực tế, chất lượng đào tạo trường đó có đảm bảo hay không.
PV: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lý giải việc cấp phép cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và một số trường ngoài công lập đào tạo ngành Y dược là do nhân lực ngành này còn thiếu và để góp phần xã hội hóa đào tạo, bà nghĩ sao vấn đề này?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Không nên “vơ đũa cả nắm”. Tôi biết có trường hợp người thi đầu vào trường Y điểm rất cao nhưng 5-6 năm học ra cũng thường thôi, hoặc có khi học không nổi. Nhưng rõ ràng, mình phải siết tất cả đầu vào cho tới chất lượng giảng dạy thì mới mong đào tạo được người giỏi, vì ngành này đụng chạm tới tính mạng và sức khỏe. Quan điểm của riêng tôi thì đã đến lúc phải siết lại chất lượng chứ không thể chạy theo trào lưu. Nếu ngành Y mà đào tạo kém chất lượng thì có thể thấy ngay hậu quả, cho nên đào tạo ra phải có chất lượng, bác sĩ thì phải xứng đáng là bác sĩ.
Nếu như các trường chỉ chạy theo lợi nhuận, đào tạo ra nhiều, mà nếu sinh viên ra trường không kiếm được việc làm tại các bệnh viện hay tại cơ sở thì cũng đi trình dược được. Hiện giờ, chúng ta rất lãng phí nguồn lực y tế, đào tạo y ra lại đi làm trình dược. Ở đây, tôi không “gói gọn” là y dược chỉ dành cho những trường có tên y dược chính thống, nếu xã hội hóa mà đảm bảo chất lượng, chúng ta vẫn làm nhưng với điều kiện là toàn bộ quy trình thẩm định, đánh giá phải công tâm khách quan, có tiêu chuẩn rõ ràng.
PV: Bà có cho rằng, sắp tới các trường đại học sẽ chạy đua xin đào tạo ngành Y không vì ngành này tuyển sinh dễ, học phí lại cao?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Nếu như thực sự họ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành cho các bác sĩ đạt yêu cầu, đội ngũ giảng viên đạt yêu cầu cùng với đầu vào mức điểm đương nhiên thấp hơn các trường y dược chính thống thì chúng ta vẫn có thể hy vọng, nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu quan.
Quan điểm tôi là ủng hộ chất lượng, không chỉ riêng trường này mà trong thời gian tới phải rà soát, sắp xếp lại, không thể để tỉnh nào cũng có đại học đểđào tạo ra bác sĩ, như thế thì không được.
Chúng ta phải coi trọng chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng. Hiện giờ, chúng ta đặt ra chỉ tiêu là phải tăng số lượng bác sĩ trên 1 vạn dân, hiện giờ, chúng ta mới đạt có 7, nhưng nhìn ra các nước khác, chẳng nước nào đặt ra chỉ tiêu theo dạng số lượng như thế. Ví dụ: Thái Lan có 4 bác sĩ trên 1 vạn dân thôi, nhưng đâu có ai nói y tế Thái Lan yếu kém. Vấn đề là chúng ta sử dụng nguồn lực đó như thế nào, cho nên không được chạy theo số lượng, vô hình trung là chạy theo bằng cấp, giảm giá trị của người cán bộ y tế.
PV: Bà có cho rằng, dư luận lo ngại khi trường này được phép đào tạo ngành Y - dược là có cơ sở hay không?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Dư luận quan ngại là hoàn toàn có lý. Tôi nghĩ không chỉ riêng trường hợp của trường này mà còn rất nhiều trường khác. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại để sắp xếp lại, để người cán bộ y tế được đào tạo ra đúng chất lượng, đúng với yêu cầu của xã hội. Chúng ta chạy theo chất lượng chứ không thể chạy theo số lượng. Ở đây, đáng buồn trong ngành Y - dược, căn bệnh trầm kha chính là chạy theo bằng cấp. Bác sĩ hay dược sĩ kém chất lượng ra trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.
Do đó, đề nghị xem xét lại đối với toàn bộ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực. Việc thẩm định của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế đã được tiến hành bài bản hay chưa? Đã đáp ứng được các tiêu chí đã đưa ra hay không? Chúng ta cứ theo đúng tiêu chí, quy định mà làm, đạt thì cho đào tạo, còn không thì dừng lại./.
Mỹ Anh