|
Báo cáo Đếm ngược về Sức khỏe và Biến đổi Khí hậu của Lancet năm 2020, vừa được xuất bản trên tạp chí y học The Lancet. |
Đó là nhận định được nêu trong Báo cáo Đếm ngược về Sức khỏe và Biến đổi Khí hậu của Lancet năm 2020 (2020 Report of the Lancet Countdown on Health and Climate Change), vừa được xuất bản trên tạp chí y học The Lancet.
Theo các tác giả, cuộc phục hồi hậu đại dịch COVID-19 đem đến thời cơ quan trọng cho chúng ta hành động chống biến đổi khí hậu. Các bên phối hợp cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng kép sẽ mang đến cơ hội cải thiện sức khỏe, tạo ra một nền kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
“Đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng khi sức khỏe bị đe dọa trên quy mô toàn cầu, nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta sẽ lâm vào bế tắc,” Tiến sĩ Ian Hamilton, giám đốc điều hành của Lancet Countdown cho biết. “Những mối đe dọa sức khỏe con người đang tăng lên theo cấp số nhân và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, và nếu chúng ta không thay đổi hướng đi, hệ thống y tế của chúng ta có nguy cơ bị quá tải trong tương lai. Năm nay, những đợt cháy rừng ở Mỹ, các cơn bão nhiệt đới tàn khốc ở Caribe và Thái Bình Dương diễn ra cùng với đại dịch là một minh chứng thảm khốc rằng thế giới không có cơ hội xa xỉ để đối phó với từng cuộc khủng hoảng một."
Bằng chứng mới từ báo cáo của Lancet Countdown cho thấy hai thập kỷ qua số ca tử vong do nắng nóng ở người lớn tuổi đã tăng 54%, với kỷ lục 2,9 tỷ người-ngày (person-days) tiếp xúc với sóng nhiệt ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi vào năm 2019 - gần gấp đôi so với mức cao trước đó.
Tuy nhiên, theo 120 học giả và các bác sĩ lâm sàng về sức khỏe và biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới đứng sau báo cáo, nếu chúng ta có hành động cấp bách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - bằng cách thực thi các kế hoạch theo những cam kết hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C - chúng ta có thể giảm thiểu những cú sốc này và đạt được những lợi ích về sức khỏe và kinh tế. Đồng thời, những hành động này có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các đại dịch khác trong tương lai, vì các tác nhân gây ra biến đổi khí hậu cũng có thể thúc đẩy nguy cơ phát sinh những dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật (nguy cơ xuất hiện đại dịch từ các bệnh truyền nhiễm lây nhiễm từ động vật sang người).
Báo cáo là thành quả hợp tác của các chuyên gia từ hơn 35 tổ chức bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Khí tượng Thế giới, và được dẫn đầu bởi Đại học London, xuất bản nhân kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris trong bối cảnh thế giới cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên dưới 2 độ C.
Tiến sĩ Wenjia Cai, giám đốc Trung tâm Lancet Countdown Khu vực Châu Á mới thành lập, trụ sở tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết: “Vào dịp kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris, chúng ta buộc phải đối diện với viễn cảnh tồi tệ nhất đối với sức khỏe cộng đồng mà thế hệ chúng ta từng chứng kiến. Các bên không đáp ứng các cam kết về khí hậu có thể khiến một số Mục tiêu Phát triển Bền vững then chốt nằm ngoài tầm với cũng như khả năng của chúng ta trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu.”
Những cú sốc về sức khỏe liên quan đến khí hậu
Từ các hòn đảo nhỏ đến các thành phố lớn, những cú sốc sức khỏe liên quan đến khí hậu có thể phát sinh trong tương lai do những khó khăn trong dự đoán tác động của nắng nóng khắc nghiệt cũng như tìm giải pháp thích ứng thành công.
Tình trạng này dẫn đến những hậu quả bao gồm gia tăng tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng ở những người có thể trạng yếu ở tất cả các nơi trên thế giới, điển hình như vào năm 2018 đã có 296.000 sinh mạng của người cao tuổi bị cướp đi. Sinh kế cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do nắng nóng ngày càng ảnh hưởng đến năng suất làm việc ngoài trời của con người ở những khu vực đang phát triển, đi cùng với các tác động kinh tế đáng kể. Năm ngoái, năng suất lao động tiếp tục giảm, trong đó Ấn Độ chiếm 40% trên tổng số 302 tỷ giờ làm việc bị thất thoát.
Nắng nóng và hạn hán cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, dẫn đến các tác động với con người như thương tích bỏng, tổn thương tim và phổi do khói, và cộng đồng dân cư mất nơi cư trú. Khoảng 128 quốc gia đã vật lộn với tình trạng gia tăng lượng dân cư bị ảnh hưởng từ cháy rừng kể từ đầu những năm 2000, trong đó Hoa Kỳ được coi là một trong những nước có mức gia tăng lớn nhất. Thêm vào đó, vào cuối thế kỷ này, báo cáo cho thấy mực nước biển dâng dự kiến có thể đe dọa cuộc sống của 565 triệu người, buộc họ phải di dời và khiến họ phải đối mặt với hàng loạt tổn hại về sức khỏe.
Giáo sư Hugh Montgomery, đồng chủ tịch của Lancet Countdown và là bác sĩ chăm sóc hồi sức, Đại học London, cho biết: “Biến đổi khí hậu cắt sâu hơn tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe hiện có giữa các quốc gia và bên trong từng quốc gia. Báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng - chỉ riêng Covid-19 - những người lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương và những người có một loạt các bệnh nền bao gồm hen suyễn và tiểu đường thậm chí còn có nguy cơ cao hơn.”
Dữ liệu mới trong báo cáo nhấn mạnh rằng năng lực y tế để đối phó với những cú sốc sức khỏe trong tương lai vẫn còn yếu kém, cho dù đã có cải thiện. Trong số các quốc gia được khảo sát, chỉ có một nửa đã lên các kế hoạch về khí hậu và y tế quốc gia, trong đó chỉ có bốn nước báo cáo có ngân sách quốc gia tương xứng, và chưa đến một nửa số quốc gia đã tiến hành đánh giá mức độ dễ bị tổn thương và mức thích ứng cho sức khỏe. Trong khi đó, 2/3 số thành phố toàn cầu được khảo sát cho rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế công cộng.
Giáo sư Hugh Montgomery nói thêm “Đại dịch COVID-19 đã làm phơi bày thực tế năng lực y tế hiện nay cũng như khả năng của các hệ thống y tế diện rộng trong việc đối phó với những cú sốc sức khỏe mà biến đổi khí hậu có thể gây ra trong tương lai. Cháy, lũ lụt và nạn đói không phân biệt biên giới quốc gia hay ngân sách: sự giàu có của một quốc gia không thể bảo vệ quốc gia đó khỏi những tác động đến sức khỏe ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,2 độ C.”
Cuộc khủng hoảng kép khí hậu và đại dịch
Một bài xã luận của Lancet được xuất bản cùng với báo cáo mới nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu và nguy cơ xuất hiện đại dịch truyền nhiễm từ động vật sang người có chung các tác nhân, khiến chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và do đó chúng phải được phối hợp xử lý cùng lúc. Biến đổi khí hậu và các tác nhân của nó huỷ hoại môi trường thông qua quá trình đô thị hóa, nông nghiệp thâm canh và hệ thống lương thực không bền vững, vận tải hàng không và du lịch, thương mại và lối sống phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, đồng thời quay trở lại tạo điều kiện gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật.
Tiến sĩ Richard Horton, tổng biên tập của The Lancet, cho biết: “Nếu chúng ta muốn giảm thiểu nguy cơ xuất hiện đại dịch trong tương lai, chúng ta phải ưu tiên hành động đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu - một trong những tác nhân mạnh mẽ nhất dẫn đến việc gia tăng nguy cơ lây nhiễm từ động vật ngày nay. Bây giờ là lúc để tất cả chúng ta xem xét các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm túc hơn - chúng ta phải giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và củng cố các hệ sinh thái tự nhiên vốn là nền tảng cho nền văn minh của chúng ta. Đây là thời cơ chúng ta không được phép bỏ lỡ. Như bài học COVID-19 đã dạy chúng ta, hành động chậm trễ sẽ gây ra những cái chết mà đáng lẽ ra chúng ta có thể ngăn chặn được”.
Báo cáo mới của Lancet Countdown giải thích rằng biến đổi khí hậu đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm chết người lây lan, như sốt xuất huyết, sốt rét và bệnh do vi khuẩn vibrio – đe doạ thành dập dịch hàng thế kỷ của chúng ta.
Phục hồi xanh sau COVID-19
Nếu hạn chế mức gia tăng nhiệt độ xuống dưới 2 độ C, đồng thời kết hợp phục hồi khí hậu và đại dịch cùng nhau, thế giới có thể tạo ra những lợi ích sức khỏe trước mắt và lâu dài, báo cáo mới chỉ ra. Đổi lại, lợi ích về sức khỏe có thể dẫn đến nhiều tỷ đô la lợi ích kinh tế, và những lợi nhuận này không chỉ đủ sức trả cho chi phí giảm thiểu tác động mà còn có thể tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng xanh.
7 triệu ca tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí liên quan đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch cho thấy nguy cơ tiềm ẩn. Tại khu vực Châu Âu của WHO, những bước đi khiêm tốn để thúc đẩy năng lượng sạch và các lĩnh vực giao thông đã cho thấy tác dụng khi số ca tử vong do ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí giảm từ 62/100.000 trong năm 2015 xuống 59/100.000 vào năm 2018. Trên toàn cầu, các ca tử vong do bụi mịn PM2.5 liên quan đến than đá đã giảm 50.000 ca trong cùng năm. Những cải thiện trong chất lượng không khí của Liên minh châu Âu từ năm 2015 đến năm 2018 có giá trị ước tính 8,8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, nếu được giữ nguyên. Xuất phát từ việc giảm số năm tuổi thọ trung bình hàng năm, con số này sẽ tăng lên khi chất lượng không khí được cải thiện nhiều hơn nữa.
Trước thực tế ngành sản xuất lương thực đóng góp một phần tư lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới, báo cáo chỉ ra một cơ hội tương tự để giải quyết một phần trong số 9 triệu ca tử vong hàng năm liên quan đến chế độ ăn uống nghèo nàn. Với việc chăn nuôi gia súc phát thải đặc biệt nhiều khí thải, báo cáo đã xem xét các trường hợp tử vong do tiêu thụ thịt đỏ quá mức. Các tác giả phát hiện ra rằng tỷ lệ tử vong đã tăng 70% trong 30 năm qua, với phần lớn trong số gần 1 triệu ca tử vong hàng năm xảy ra ở các khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu.
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Cục Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Với hàng nghìn tỷ USD được đầu tư trên toàn cầu vào công tác hỗ trợ và kích thích kinh tế, đây là cơ hội quý giá để điều chỉnh những biện pháp ứng phó với đại dịch và biến đổi khí hậu để đạt được thắng lợi ở cả ba mặt trận - giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo ra nền kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Nhưng thời gian còn rất ngắn. Nếu không phối hợp giải quyết cùng lúc cuộc khủng kép này, chúng ta sẽ bị giam cầm trong viễn cảnh sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, khiến mục tiêu 1,5 độ C của thế giới ngày càng xa vời và khiến thế giới rơi vào một tương lai đầy những bất trắc sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra.”
Báo cáo thường niên lần thứ năm của Lancet Countdown theo dõi hơn 40 chỉ số về mối liên hệ giữa sức khỏe và biến đổi khí hậu, chỉ ra viễn cảnh đáng lo ngại nhất hiện nay khi các xu hướng chủ đạo trở nên xấu đi.
Hệ thống y tế vẫn chưa được chuẩn bị vững vàng trong bối cảnh nắng nóng cực đoan đang khiến tỷ lệ tử vong tăng nhanh trên toàn thế giới và đe dọa sinh kế của hàng triệu người.
Tuy nhiên, nếu phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng kép khí hậu và đại dịch COVID-19 cùng nhau, sức khỏe của hàng triệu người có thể được cải thiện và sinh mạng của nhiều người có thể được cứu sống.
|