Không xét nghiệm tràn lan virus Adeno ở trẻ em

Thứ tư, 05/10/2022 14:45
(ĐCSVN) - Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ những năm 50 và là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Các chuyên gia cho rằng việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ, không xét nghiệm tràn lan.

Tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ… và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các bề mặt nhiễm cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2.

Theo Thứ trưởng, vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị là rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc virus Adeno phải có buồng điều trị riêng. Sắp tới sẽ có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.

Trẻ nhiễm virus Adeno đang được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: TL)

GS. TS Phạm Nhật An, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ những năm 50 và là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đây là tác nhân đứng thứ 6 trong viêm phổi do virus ở trẻ em.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, trên cơ sở khám và điều trị cho hơn 2.500 ca, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng cần cá thể hóa từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí. Đồng thời, ông đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm.

“Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tuỳ theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm” – PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày.

Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Chỉ trong 3 tuần, bệnh viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi.

Đến nay, tại bệnh viện còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Có hơn 40 ca nặng, nguy kịch, trong đó có 6 trẻ phải thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực), 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc so với các năm trước, tỷ lệ nhập viện cũng cao, trên 50% số ca phát hiện. Trẻ nhiễm virus này có triệu chứng sốt cao liên tục 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.

 Hiện các bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E… Các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Xanh Pôn và một số bệnh viện tư nhân…. vẫn bảo đảm cơ số giường bệnh đáp ứng việc điều trị cho người bệnh mắc Adenovirus./.

                                                  Đa số trẻ nhiễm virus Adeno sẽ tự khỏi bệnh

Số ca mắc virus Adeno ngày càng tăng cao khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em lúc giao mùa. Tuy nhiên, theo chia sẻ của BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh), phụ huynh không cần quá lo lắng về virus Adeno và nguy cơ trẻ nhiễm phải virus Adeno.

Được biết, virus Adeno là loại virus hợp bào gây bệnh về hô hấp ở người đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Virus Adeno lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở, thở khò khè, rối loạn tiêu hóa...

Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: "Không nên so sánh tỷ lệ bệnh nhân nhiễm virus Adeno với 2 năm trước do 2 năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số trẻ bị mắc bệnh hô hấp tương đối ít. Nếu muốn biết bệnh hô hấp tăng đột biến hay không thì nên so sánh với năm có số ca bệnh đông nhất của bệnh hô hấp theo mùa.

Cũng theo bác sĩ Khanh, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus Adeno, đa số bệnh nhân nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh. Cách điều trị bệnh cũng giống như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus gây ra. Chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết để tránh xảy ra tình trạng bội nhiễm.

"Những trẻ mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch yếu, nhiễm vi trùng đặc biệt là vi trùng kháng thuốc rất dễ trở nặng khi nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ này vì trẻ rất dễ mắc bệnh, khi nhiễm virus thì rất dễ trở nặng" - bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Cho tới nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Adeno vì virus này có rất nhiều chủng. Vậy nên, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là:

Rửa tay, khử khuẩn thường xuyên;

Cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ;

Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết;

Người lớn khi bị cảm nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với trẻ nhỏ để tránh trẻ bị nhiễm bệnh. 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực