Giới trẻ lên tiếng bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp. (Ảnh: TL)
Theo Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), vào 3/3 hằng năm, Ngày thế giới bảo vệ động vật hoang dã được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về các loài động vật và thực vật hoang dã của thế giới. Chủ đề của năm nay là “Hãy nghe lớp trẻ nói”. Chủ đề này đang khuyến khích giới trẻ trên toàn thế giới cùng chung sức giải quyết các mối đe dọa đến các loài động vật hoang dã, bao gồm buôn bán trái pháp luật, khai thác quá mức và những hiểm họa ảnh hưởng tới môi trường sống.
“Sự thay đổi phải đến từ chính chúng ta và phải thực hiện ngay khi có thể để cho lớp trẻ tạo được sự khác biệt cho việc bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam”, Người phát ngôn của nhóm 14 tổ chức làm việc tại Việt Nam nhằm bảo vệ động vật hoang dã, chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã phát biểu. Nhóm này gồm các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế bao gồm Animals Asia, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, CHANGE, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), Freeland, GIZ, Indo-Myanmar Conservation, Save Vietnam’s Wildlife, TRAFFIC, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, Đại sứ Quán Mỹ tại Hà Nội, WCS Việt Nam, Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam (WildAct) và Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam.
Đó là một thông điệp có sức nặng đặc biệt tại Việt Nam, nơi mà rất nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng và nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Đây thực sự là mối đe dọa đối với loài tê giác Java, loài được tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam từ năm 2010; hiện tại rất nhiều loài cũng đang bị đe dọa như hổ, voi, tê tê cùng nhiều loài khác. Trong khi Việt Nam đã thực hiện hàng loạt các nỗ lực trong những năm gần đây để cải thiện về luật pháp, tăng cường năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật và giảm nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt cần thực hiện để đối phó với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Theo Quỹ dân số của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện đang đạt tỷ lệ người trẻ tuổi cao nhất trong lịch sử. Độ tuổi 20 đến 24 chiếm gần 40% dân số của Việt Nam, điều này cho thấy cơ hội dành cho các bạn trẻ để có thể gây được ảnh hưởng và sẽ mang lại sự thay đổi tích cực trong bảo vệ động vật hoang dã..
Ngày thế giới bảo vệ động vật hoang dã cũng là cơ hội để mọi người nhớ tới các cam kết tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật do Chính phủ Việt Nam tổ chức vào tháng 11/2016. Tại Hội nghị, Việt Nam và một số quốc gia khác đã cam kết cùng nhau chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Năm 2017 sẽ là năm phải có những hành động mạnh mẽ và bền vững trong việc đóng cửa những thị trường buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và giảm nhu cầu tiêu dùng đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã./.