Kiên Giang: Kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ sáu, 28/07/2023 20:29
(ĐCSVN) – Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tình hình các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Theo ông Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, hiện các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như: dịch COVID-19,  sốt xuất huyết Dengue,  tay chân miệng, Marburg, đậu mùa khỉ, dại, thương hàn, viêm gan B, thủy đậu, cúm… Trong đó, dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, đầu năm đến nay ghi nhận 1.375 ca mắc COVID-19.

Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Kiên Giang (Ảnh: Phú Quốc )

Về bệnh sốt xuất huyết Dengue, từ đầu năm đến nay, Kiên Giang đứng thứ 10/20 tỉnh ở khu vực phía Nam và thứ 7/13 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số ca mắc. Lũy kế toàn tỉnh đến nay có 1.238 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 27,1% so cùng kỳ năm 2022. Năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue nhẹ và có dấu hiệu cảnh báo 1.176, ca nặng ghi nhận 62 ca, tỷ lệ ca nặng/ca mắc là 5% và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Như vậy, dịch sốt xuất huyết Dengue cơ bản được kiểm soát ở Kiên Giang.

Đối với bệnh tay chân miệng, số ca mắc đầu năm đến nay ghi nhận 919 ca, tăng 47,5% so cùng kỳ năm 2022 . Ca mắc chủ yếu ở TP. Phú Quốc 231 ca, TP. Rạch Giá 169 ca, huyện Châu Thành 131 ca, huyện Giồng Riềng 57 ca, TP. Hà Tiên 47 ca. Ghi nhận 3 trường hợp tử vong ở TP. Rạch Giá 2 ca, huyện Châu Thành 1 ca.

Các bệnh truyền nhiễm khác lưu hành tại địa phương như bệnh dại, thương hàn, viêm gan B, C giảm so cùng kỳ năm 2022 và chưa ghi nhận nguy hiểm gì trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo ông Chung Tấn Thịnh, tất cả bệnh truyền nhiễm đang lưu hành  trên địa bàn tỉnh đều cần quan tâm phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Quan tâm đặc biệt hơn đến bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bởi lúc này hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra nhiều nhất là vào mùa hè và đầu mùa thu. Riêng những quốc gia thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Nếu trẻ nhỏ thường xuyên đến những nơi công cộng như nhà trẻ, sân chơi kém vệ sinh… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

 Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất (Ảnh minh họa: TL)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, tập trung vào các khu vực có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Chủ động rà soát nguồn lực, củng cố hoạt động của các đơn vị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong các tình huống./.

Đăng Khôi (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực