Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã mang lại nhiều kết quả, tạo bước chuyển mới cho ngành giáo dục Long An.
Long An quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
(Nguồn: Báo Long An)
Có thể thấy, sau 3 năm thực hiện, công tác quản lý giáo dục ở Long An đã có sự chuyển biến thực sự. Toàn ngành đã tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong xây dựng chương trình phát triển nhà trường; thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp; đổi mới hình thức tuyển dụng giáo viên thông qua thi tuyển (không xét tuyển như trước đây) nhằm tuyển chọn người tài, có phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn ở từng vị trí.
Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Các xã cơ bản đều có trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học. Xã hoặc liên xã có trường trung học cơ sở. Mạng lưới trường trung học phổ thông được mở rộng ở nhiều địa phương. Loại hình trường mầm non - tiểu học; trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trường trung học phổ thông phát triển theo định hướng chất lượng cao được thành lập. Cấp huyện có trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 659 trường, trong đó có 232 trường đạt chuẩn quốc gia. Tất cả trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh.
Có thể thấy, chất lượng các cấp học ngày càng nâng cao. Hầu hết cơ sở giáo dục mầm non đều tạo môi trường giáo dục phù hợp điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ. Số nhóm, lớp học 2 buổi/ngày và số học sinh học bán trú tăng. Toàn tỉnh có 50.698/52.960 trẻ ở các nhóm, lớp mầm non từ 0 đến 5 tuổi được tổ chức học bán trú và 2 buổi/ngày, đạt 95,73%; riêng trẻ 5 tuổi học bán trú và 2 buổi/ngày là 21.856/22.074 trẻ, đạt 99,01%. Trẻ đến trường được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần. Về giáo dục tiểu học, các trường tập trung dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung dạy phù hợp yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống chohọc sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; tổ chức kiểm tra định kỳ nghiêm túc, đúng thực chất.
Đối với giáo dục trung học, trong dạy và học luôn chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức cho các em học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức được học vào thực tế.
Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, năm học 2017-2018, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Long An đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phát triển mạng lưới trường, lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo Long An cũng đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, tích cực hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong những nhiệm vụ trên, theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, việc phát triển mạng lưới trường, lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là những nhiệm vụ mà ngành cần tập trung thực hiện.
Để phát triển mạng lưới trường, lớp học, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Long An sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, ngành triển khai thực hiện Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2017-2020”; tiếp tục sắp xếp và phát triển hệ thống, mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phù hợp với quy hoạch và theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; khuyến khích thành lập mới các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập ở thị xã, thị trấn và những nơi có điều kiện.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, ngành tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, sinh viên. Ngành tiến hành đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao năng lực thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm cho giáo viên.v.v…Phấn đấu đến năm học 2020-2021, có 100% học sinh lớp 3,7% học sinh lớp 6 và 60% học sinh lớp 10 tham gia học theo chương trình này. Phấn đấu đến năm 2018, 70% giáo viên cấp tiểu học đạt trình độ chuẩn bậc 4 ; 90% giáo viên cấp trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn bậc 4; 85% giáo viên cấp trung học phổ thông đạt trình độ chuẩn bậc 5; 100% giáo viên cao đẳng đạt trình độ chuẩn bậc 5./..