Mang nụ cười rạng rỡ đến với trẻ em khó khăn, khuyết tật

Thứ năm, 11/04/2024 17:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng Đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) tiến hành khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho các trẻ em mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng trên cả nước.
 Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị phối hợp cùng Đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho các trẻ em mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng trên cả nước.

Từ ngày 08/4 đến 18/4/2024, đoàn Interplast làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đoàn do GS. Johannes Hidding làm Trưởng Đoàn và BS. Huỳnh-Bùi Thị Phương Hồng Isabelle làm điều phối chính. Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế và Đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast gồm 11 chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, Gây mê hồi sức đến từ Đức, Liên bang Nga, Tây Ban Nha, Australia… sẽ trực tiếp khám sàng lọc, đánh giá tình trạng bệnh để đưa ra phương án phẫu thuật tốt nhất cho các bệnh nhi.

Hiện có trên 100 em nhỏ mắc dị tật từ Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đăng kí phẫu thuật trong dịp này. Trong đó, hầu hết là các em bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng chưa được phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật có nhu cầu sửa sẹo, đóng lỗ thông vòm miệng và một số trường hợp bị sẹo xấu sau bỏng, chấn thương vùng mặt… Dự kiến đến ngày 18/4, có khoảng 80 trường hợp sẽ được phẫu thuật cải thiện ngoại hình.

 Có trên 100 em nhỏ mắc dị tật từ Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đăng kí phẫu thuật trong dịp này.

Được biết, tổ chức Interplast - Cộng hoà Liên bang Đức và Bệnh viện Trung ương Huế đã có mối quan hệ hợp tác từ năm 2015 đến nay. Trong những năm vừa qua, đoàn đã phối hợp với Bệnh viện phẫu thuật miễn phí cho gần 400 bệnh nhi có bệnh lý dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng, các dị tật khác vùng mặt chưa được phẫu thuật, các bệnh nhân dị tật khe hở môi vòm miệng đã được phẫu thuật có nhu cầu phẫu thuật sửa sẹo xấu, đóng lỗ thông vòm miệng, các bệnh nhân sẹo xấu, sẹo bỏng co kéo vùng đầu, mặt, cổ và toàn thân…

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Xuân Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Răng - Hàm - Mặt (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết: Trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng thường gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sức khỏe bị ảnh hưởng và thiếu tự tin trong giao tiếp. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc dị tật này cao gấp đôi so với nhiều nước khác. Do đó, rất cần sự chung tay của toàn xã hội giúp các em hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống. Để nụ cười các em được hoàn thiện, việc điều trị sẽ phải kéo dài, không chỉ đòi hỏi chi phí điều trị lớn mà cần có sự phối hợp điều trị giữa gia đình và các bác sĩ chuyên khoa Nhi, Răng Hàm Mặt, Tạo hình thẩm mỹ, Trị liệu ngôn ngữ… “Chương trình hợp tác phẫu thuật miễn phí là hoạt động nhân văn nhằm trả lại nụ cười, sự tự tin cho các trẻ em khó khăn, khuyết tật. Đây cũng là cơ hội để Đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast chuyển giao các kĩ thuật hiện đại, mới nhất cho đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế về chuyên môn phẫu thuật và gây mê hồi sức” -  Bác sĩ chuyên khoa II Trần Xuân Phú chia sẻ.

 Đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ bệnh viện Trung ương Huế.

Tham gia chuyến tình nguyện, Giáo sư Johannes Hidding tiết lộ, từ trẻ, ông đã xem nhiều bức tranh trong bảo tàng và các bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, hiểu được những mất mát mà người dân phải gánh chịu cũng như những em bé kém may mắn bị dị tật. Tình yêu trẻ và sự yêu mến dành cho “dải đất hình chữ S” đã thôi thúc ông đến đây cùng các đồng nghiệp trên khắp thế giới để làm một điều gì đó, ý nghĩa tới các em. Những nụ cười hồn nhiên xinh xắn của trẻ thơ cùng niềm hạnh phúc của người nhà là động lực để đoàn thiện nguyện trở lại Huế ngày càng nhiều hơn.

Sau 8 năm hợp tác, chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng đã trở thành hoạt động thường quy, tạo kết nối bền vững giữa đội ngũ y tế hai bên. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hơn những em bé mắc dị tật vùng hàm, mặt đã được phẫu thuật, xóa bỏ mặc cảm, trở lại cuộc sống bình thường với nụ cười rạng rỡ, tự tin./.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực