Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hưng Yên: Ứng phó mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu

Thứ sáu, 23/09/2011 13:52

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong vòng năm năm gần đây. Đây không phải là vấn đề mới nhưng luôn "nóng". Hiện nay, so với tỷ lệ trung bình cả nước là 110 bé trai/100 bé gái thì tại Hưng Yên, tỉnh nằm trong kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cửa ngõ phía đông Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh lại "vọt" tới 131/100. Cuộc phỏng vấn dưới đây của báo Nhân Dân với ông Hoàng Văn Bào, Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên chia sẻ nhiều hơn về vấn đề "nóng" và những biện pháp ứng phó với thực trạng đáng báo động này.

 

 Ông Hoàng Văn Bào, Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên.

PV: Thưa ông, tỷ lệ chênh lệch giới tính đáng báo động ở Hưng Yên. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Hoàng Văn Bào: Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh tại Hưng Yên là 131 bé trai/100 bé gái, cuối năm 2009 giảm còn 125/100 và năm 2010 là 121/100. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả 10 huyện, thành phố; đặc biệt cao ở các huyện: Văn Lâm (134/100), Văn Giang (128/100), Yên Mỹ (123/100)...

Đáng chú ý là sự chênh lệch này lại 'rơi' vào những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển ở Hưng Yên. Đó là lý do mà một số xã có sự chênh lệch đến chóng mặt như Phụng Công (Văn Giang): 253/100, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm): 202,4/100, Chỉ Đạo (Văn Lâm): 163,5/100...

PV: Sự chênh lệch này không giảm nhiều trong mấy năm vừa qua, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Ông Hoàng Văn Bào: Trước hết vẫn là do mô hình gia đình mang nặng chế độ gia tộc phụ hệ truyền thống, con trai mới nỗi dõi tông đường, mới được vào nơi thờ tự... Các tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Ngoài ra, còn chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm cho nên con trai thường được coi là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, con gái khi lấy chồng sẽ không sống trong gia đình, không thể thường xuyên đỡ đần cho cha mẹ đẻ.

Lý do nữa là lao động địa phương chủ yếu là nông nghiệp và dịch vụ nặng nhọc đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai, vì thế càng tác động mạnh mẽ tới sự lo lắng khi về già thiếu người chăm sóc, phụng dưỡng trong tư tưởng, nhận thức của người dân.

PV: Trước sự tăng nhanh và bất thường của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Hưng Yên đã có những hoạt động ứng phó như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Bào: Sở Y tế phối hợp với các ban, ngành 'vào cuộc' tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về siêu âm, phá thai tại 18 cơ sở y tế hành nghề y tư nhân trên toàn tỉnh, nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hiện tượng siêu âm, nạo phá thai liên quan đến giới tính; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định về dân số.

Đáng chú ý là ngành y tế đã phát hiện và xử phạt hành chính và rút giấy phép hành nghề hai cơ sở y tế ngoài công lập vi phạm siêu âm xác định giới tính thai nhi.

PV: Vậy, mục tiêu công tác dân số kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015 của ngành y tế Hưng Yên là gì?

Ông Hoàng Văn Bào: Đó là tiếp tục duy trì mức giảm sinh để đạt được mức sinh thay thế ổn định thấp, phấn đấu giảm và duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%/năm. Mở rộng các biện pháp tránh thai, giảm tỷ lệ nạo hút thai ở mức 5%/năm. Nâng tỷ lệ đối tương vị thành niên, thanh niên được trang bị các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản lên 95% vào năm 2015. Từng bước giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, đạt tỷ lệ 115 bé trai/ 100 bé gái vào năm 2015.

PV: Những biện pháp nào mà ngành y tế Hưng Yên đang hướng tới để nỗ lực cho các hành động giảm mất cân bằng giới tính khi sinh?

Ông Hoàng Văn Bào: Hưng Yên tuy đã có những hoạt động ứng phó với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng đó chỉ là những hoạt động trong giai đoạn khởi đầu để giải quyết vấn đề này.

Với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra quá nhanh như hiện nay và xu hướng còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo, việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hưng Yên đang đứng trước nhiều thách thức.

Biện pháp trước hết mà ngành y tế Hưng Yên phải làm vẫn là tăng cường công tác truyền thông. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, cùng với sự tham gia của các hội phụ nữ, nông dân, thanh niên, thì thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh phải được truyền đạt tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai....

Ngành y tế Hưng Yên cũng thực hiện các dự án để nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc sơ sinh, lấy máu gót chân để xác định nguy cơ tàn tật, dị tật, tư vấn tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe thành niên, vị thành niên. Tuy nhiên, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, nghiêm cấm các cách chẩn đoán lựa chọn giới tính thai nhi bằng biện pháp như xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào, siêu âm...

Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở Y tế tăng cường quản lý, theo dõi, tổ chức các đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở siêu âm trên địa bàn và có biện pháp xử lý thích đáng đối với cơ sở có vi phạm.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực