Thay đổi khái niệm “tiêm đầy đủ vaccine”
Nếu như trước đây, khi nói “tiêm đầy đủ” vaccine ngừa COVID-19 có nghĩa là người dân được tiêm hai mũi vaccine theo khuyến cáo của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, từ khi biến chủng Delta và Omicron xuất hiện, hàng loạt quốc gia trên thế giới đang chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng nhanh chóng, kể cả những nước đã có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao. Trước thực tế đó, chính phủ nhiều nước đang bắt đầu xem xét lại định nghĩa “tiêm đầy đủ” vaccine, nhằm thúc đẩy mũi tiêm tăng cường để ứng phó biến chủng lây lan nhanh.
|
Dựa theo diễn biến mới của dịch COVID-19, khái niệm "tiêm đầy đủ vaccine" không phải là hai mà là ba mũi vaccine (Ảnh minh họa: AA) |
Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Đây chính là lý do để giới khoa học khuyến cáo về việc tiêm thêm mũi thứ 3 để tăng cường mạnh mẽ khả năng của cơ thể chống lại loại virus nguy hiểm gây dịch COVID-19. Theo đó, khái niệm “tiêm đầy đủ” giờ đây không phải là hai mà là ba mũi vaccine.
Phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 11/2021, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh việc tiêm mũi vaccine tăng cường rất quan trọng để ngăn chặn việc phải tái áp đặt các hạn chế COVID-19. “Rõ ràng rằng việc được tiêm ba mũi vaccine sẽ trở thành một thực tế quan trọng và nó sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn bằng mọi cách”, Thủ tướng Boris Johnson nói.
Israel là nước tiên phong triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường từ cuối tháng 7, với đối tượng đầu tiên là nhóm trên 60 tuổi đã tiêm liều thứ hai được 5 tháng. Đến ngày 29/8, Israel bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả những người từ 12 tuổi trở lên. Giờ đây, những người tiêm liều thứ hai sau 6 tháng phải tiêm mũi tăng cường mới đủ điều kiện duy trì "thẻ xanh vaccine", giúp họ có thể đến nhà hàng, phòng gym và các địa điểm công cộng khác.
Bất chấp những nghi ngờ ban đầu về mức độ cần thiết của mũi tăng cường, sau hơn ba tháng triển khai, giới chức y tế Israel cho biết dữ liệu thu được chứng minh chương trình tiêm chủng tăng cường giúp kiềm chế làn sóng đại dịch thứ tư hồi tháng 8 và tháng 9. Vào lúc đỉnh điểm của làn sóng này, Israel ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng đến cuối tháng 11 chỉ còn khoảng 500 ca.
Giới chức Israel cho biết hiệu quả của mũi tăng cường được thể hiện rõ rệt ở số ca nhập viện. Hồi tháng 10, tỷ lệ ca nhiễm nghiêm trọng trên 60 tuổi đã tiêm hai liều vaccine cao gấp 5 lần so với những người đã tiêm ba mũi.
Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai việc tiêm mũi thứ 3 – mũi tăng cường trong một nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh. Anh hiện đã tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành, cách liều thứ hai ba tháng. Trước đó, nước này chỉ triển khai chương trình tiêm tăng cường cho những người trên 40 tuổi, hoặc trên 16 tuổi nếu có bệnh nền, với khoảng cách giữa mũi ba và mũi hai tối thiểu là 6 tháng.
Tương tự Anh, nhiều nước châu Âu đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành như Đức, Pháp, Áo, Hy Lạp. Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua này, với quyết định phê duyệt tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành vào ngày 19/11. Mới đây nhất, tại Nam Phi, giới chức y tế thông báo kể từ ngày 24/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Pháp quyết định rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Nhằm ngăn biến thể Omicron lây lan, cơ quan y tế Pháp cũng khuyến nghị mở rộng đối tượng được tiêm mũi tăng cường sang cả thanh thiếu niên, nhóm cũng có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Ngày 24/12, Bộ Y tế Italy đã cho phép những người 16-17 tuổi và những trẻ vị thành niên có thể trạng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh cao, được tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 từ ngày 27/12 tới. Hiện nay, tại Italy chỉ những người trên 18 tuổi mới được phép tiêm mũi vaccine tăng cường.
Tác dụng của mũi tiêm tăng cường đối với biến thể Omicron
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sheba (Israel) ngày 11/12 công một kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron, tuy nhiên so với Delta, hiệu quả "phòng vệ" vaccine của Pfizer trước Omicron lại thấp hơn 4 lần. Đề tài nghiên cứu do Tiến sĩ Gili Regev Yochay – Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm - làm chủ nhiệm đã lấy mẫu máu của 40 nhân viên y tế tại Bệnh viện Sheba, trong đó 20 người đã được tiêm mũi tăng cường (mũi 3) phòng COVID-19 cách đây 1 tháng và 20 người chỉ mới tiêm mũi vaccine thứ 2 cách đây 5-6 tháng.
|
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã tạo nên một đợt sóng hoành hành mới của đại dịch COVID-19 trên thế giới (Ảnh minh họa: Reuters) |
Kết quả cho thấy kháng thể của những người chỉ tiêm 2 mũi không thể chống trả biến thể Omicron, mặc dù vẫn có khả năng chống chọi với biến thể Delta và chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2.
Ở người tiêm đủ 3 mũi, khả năng tạo kháng thể đối với Omicron là có, song lại thấp hơn 4 lần so với đối với Delta. Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Pfizer khẳng định vaccine của hãng cũng có khả năng phòng ngừa biến thể Omicron.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên mới là sơ bộ và nhóm chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ những người tiêm 2 mũi trong thời gian gần đây có khả năng miễn dịch như thế nào với biến thể mới. Ở thời điểm chưa có vaccine phòng chống Omicron hiệu quả, nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chính phủ các nước cân nhắc thực hiện tiêm chủng mũi tăng cường cho người dân vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tối đa sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, Công ty dược phẩm AstraZeneca ngày 23/12 cho biết liệu trình 3 liều vaccine COVID-19 của hãng này có hiệu quả chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Đại học Oxford, Anh, sau một liệu trình 3 liều AstraZeneca, người tiêm có mức độ trung hòa chống lại biến thể Omicron tương đương như mức độ chống lại biến thể Delta sau 2 liều.
Dù kết quả nghiên cứu ban đầu là tích cực, song AstraZeneca cho biết công ty này đang phối hợp với đối tác tại Đại học Oxford để sản xuất một loại vaccine dành riêng cho biến thể Omicron. Kết quả này là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh các công ty đang chạy đua để đánh giá các loại vaccine hiện nay có hiệu quả như thế nào đối với biến thể mới và liệu các mũi tiêm tăng cường có cần thiết để ngăn chặn Omicron hay không.
Trong khi đó, kết quả phân tích của nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London được công bố hôm 18/12 cho thấy, mũi tăng cường có khả năng đạt hiệu quả 80-85,9% trong ngăn bệnh diễn tiến nặng ở những người nhiễm Omicron. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả ngăn trở nặng của mũi tăng cường với biến chủng Delta là khoảng 97%. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nói rằng hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu để chắc chắn về mức độ gây bệnh nghiêm trọng của Omicron so với các biến chủng khác.
Vaccine giúp huấn luyện cơ thể cách chống lại COVID-19, nhưng các loại vaccine hiện nay không được thiết kế để chống biến chủng chứa nhiều đột biến như Omicron. Omicron mới xuất hiện cách đây một tháng, và việc để có những nghiên cứu đầy đủ về loại biến thể “đáng ngại” như Omicron không phải là điều đơn giản, thế giới cần nhiều thời gian hơn nữa.
Và trong khi chờ đợi những nghiên cứu đầy đủ hơn, cũng như mong chờ về một loại vaccine mới chống lại Omicron, một số nước đang khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường để đạt mức kháng thể cao hơn trước những biến đổi không ngừng của virus SARS-CoV-2./.