Nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng về sơ cấp cứu cơ bản

Thứ năm, 07/09/2023 16:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tai nạn thương tích đang là một vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có nhiều khả năng giữ được tính mạng, hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý diễn biến xấu đi, góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục.

Ngày 7/9, tại Vĩnh Phúc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023 với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số” và diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ.

Chương trình nhằm nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thúc đẩy, lan toả, chia sẻ, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng của người dân, cộng đồng và xã hội đối với hoạt động sơ cấp cứu.

 Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023 nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thúc đẩy, lan toả, chia sẻ, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng của cộng đồng với hoạt động sơ cấp cứu. Ảnh: Hiền Lê

Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, tai nạn thương tích đang là một vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 5 triệu người tử vong và 10 triệu người tàn tật do tai nạn thương tích gây ra, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, bệnh tật, tàn phế ở tuổi lao động.

Tại Việt Nam, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ thương tích và tử vong cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), số người bị thương tích trung bình mỗi năm là gần 1.150.000 trường hợp, trong đó khoảng 300.000 trường hợp là trẻ em và vị thành niên từ 0 – dưới 18 tuổi. Số người tử vong vì thương tích trung bình là 33.500 người mỗi năm.

Theo bà Bùi Thị Hòa, sơ cấp cứu là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với sự hình thành và phát triển của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, là một trong những hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ. Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sơ cấp cứu Thế giới và xác định sơ cấp cứu ban đầu luôn là một trong những hoạt động quan trọng có tính truyền thống, thế mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt và ban hành bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu cho tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng. Qua đó, các cấp Hội đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu đạt chuẩn.

Đây là đội ngũ cán bộ tham gia huấn luyện, trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại trên 500 trạm, điểm sơ cấp cứu và đội ngũ lái xe taxi, lái xe ôm, những người thường xuyên hoạt động tại những khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra tai nạn.

Tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho đối tượng học sinh trong trường học, người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn như dọc các đường quốc lộ, nơi thường xuyên xảy ra bão, lũ lụt, sạt lở, động đất cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng các cộng đồng an toàn, có khả năng ứng phó kịp thời trong các tình huống cần thiết.

Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 vừa qua, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho gần 700.000 người, tương đương khoảng 0,8% dân số, truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho gần 3 triệu lượt người, tương đương khoảng 3% dân số.

 
Hình ảnh diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hiền Lê

Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có nhiều khả năng giữ được tính mạng, hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý diễn biến xấu đi, góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục. Nếu mọi người, mọi cộng đồng, tổ chức, cơ quan, đơn vị đều được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu và những trang thiết bị sơ cấp cứu cơ bản thì hoàn toàn có thể chủ động thực hiện sơ cấp cứu cho chính mình hoặc những người xung quanh trong các trường hợp rủi ro không mong muốn trước khi có sự xuất hiện của các nhân viên y tế hoặc trước khi người bị nạn được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, sơ cấp cứu không chỉ là kiến thức, kỹ năng cần biết mà cần được xem là một yêu cầu, một điều kiện thiết yếu đối với mọi người, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng.

Được biết, hiện trong cả nước chỉ duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng được triển khai trên toàn quốc và đang triển khai mô hình các đội tình nguyện viên sơ cứu lưu động và thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại những vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông để kịp thời sơ cấp cứu cho người bị nạn.

Việc ra đời các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông, đuối nước cũng như các nạn nhân do thiên tai, thảm họa khác, trợ giúp kịp thời người bị nạn, góp phần hạn chế tỉ lệ tử vong và thương tật, tàn phế cho nạn nhân./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực