Ngày 11/12, Báo đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai”. Khách mời tham gia Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS. Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao; TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao và bà Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH.
|
Các đại biểu tham gia Tọa đàm |
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng cho biết, nhằm đẩy nhanh việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641). Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ban hành các nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh việc tập trung nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 41)…
Tuy nhiên, thực tế so với các tiêu chuẩn chung của quốc tế, thể lực và tầm vóc người Việt Nam còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước trong khu vực. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm 3cm, thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á.
Tình trạng này nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực vốn đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tại tọa đàm, các khách mời đã đánh giá việc thực hiện các đề án, chương trình thời gian qua để nâng cao thể lực cho học sinh (dinh dưỡng học đường, giáo dục thể chất…); làm rõ những khó khăn, bất cập trong giáo dục thể chất, bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh hiện nay và đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao thể chất cho học sinh, cũng là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
TS. Trần Hiếu cho biết, giai đoạn dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh nhất về chiều cao, thể chất cũng như sức mạnh. Tiếp theo, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải chú ý phương pháp tập luyện cân đối thời gian của học sinh. Trên thực tế, hiện nay chương trình giáo dục hầu hết là chú trọng các môn văn hoá, các em không còn thời gian luyện tập, vui chơi giải trí.
|
Các khách mời biểu đề xuất nhiều giải pháp nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai |
TS. Đàm Quốc Chính cho rằng, hiện nay trong trường học cho các em học sinh ăn theo tháp dinh dưỡng nhưng hướng dẫn cho các con về tập luyện thể dục thể thao lại bị thiếu. Tập luyện thể dục thể thao về những kỹ năng sống cần thiết thì lại rất ít. “Tại sao 81 quốc gia vùng lãnh thổ dạy giáo dục thể chất nguyên ngày hoặc nguyên buổi, còn nước ta thì chỉ dừng lại ở 45 phút. Nếu tăng 2-4h học trên 1 tuần với cấu trúc 45 phút/tiết học thì không có tác động nào đáng kể”.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, điều đó dẫn đến tình trạng bất lợi của nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ là ở vấn đề trình độ, tay nghề, kỹ năng mà ở đây còn có cả chiều cao, thể lực, sức bền trong lao động.
Để giải quyết tình trạng này, theo các khách mời, cần phải có sự quan tâm của cả xã hội. Đề án 41 đặt mục tiêu rõ ràng: đến năm 2025, ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. Để đề án thành công, không thể chỉ đến từ sự quyết tâm của một số bộ, ngành, mà cần sự đồng hành của nhà trường, gia đình và toàn xã hội, phải huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất là cần thiết phải có luật liên quan đến vấn đề dinh dưỡng học đường bởi hiện nay chúng ta đang thực hiện đề án, nhưng đề án là chính sách, nếu thực hiện tốt thì có thể khen hoặc không, nhưng nếu không thực hiện thì cũng không có chế tài để xử lý. “Nếu có một dự án luật về dinh dưỡng học đường thì sẽ có những quy định có tính nguyên tắc về trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý, địa phương, gia đình đến đâu, đặc biệt là nguồn lực” – Bà Hoa nhấn mạnh.
T. Huyền