Nên bổ sung thuế tuyệt đối để hạn chế tiếp cận thuốc lá giá rẻ

Thứ hai, 29/05/2023 15:41
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thuốc lá đang đem lại những gánh nặng rất lớn cả về sức khỏe và kinh tế cho người hút. Để giảm tác hại của thuốc lá, việc tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả.

Theo các chuyên gia, thuế thuốc lá ở Việt Nam đang rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu. Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, thì theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, cần đạt mức 70-75%.

Việt Nam hiện là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỉ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

Nên bổ sung thuế tuyệt đối để hạn chế tiếp cận thuốc lá giá rẻ. (Ảnh: ITN) 

Tại Hội thảo cung cấp thông tin về Phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây tại Hà Nội, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu.

Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Tỉ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61,5%. Theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần phải ở mức 70% đến 75% giá bán lẻ. Do đó, ông Nguyễn Tuấn Lâm kiến nghị Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập.

Ngoài ra, nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm. Về dài hạn, đặt mục tiêu đạt mức 70-75% giá bán lẻ theo tiêu chuẩn toàn cầu của WHO. Việt Nam cũng nên bổ sung thuế tuyệt đối để giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận và bắt đầu hút thuốc.

Còn theo ThS Đào Thế Sơn, Trường Đại học Thương mại, nghiên cứu cả ở quốc tế lẫn Việt Nam đều cho thấy chính sách thuế thuốc lá là giải pháp có chi phí hiệu quả cao nhất. Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới chỉ ra, chính sách thuế đóng góp từ 50-60% tác động giảm tiêu dùng thuốc lá.

Tổng kết của WHO đã chỉ ra rằng, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Việc giảm tiêu dùng thuốc lá (đồng thời dẫn tới giảm sản xuất) sẽ đóng góp vào việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của thuốc lá tới các mục tiêu phát triển bền vững.

“Ở nhiều nơi trên thế giới, những người có thu nhập thấp thường có nhiều khả năng sử dụng thuốc lá hơn so với những người giàu. Tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho người nghèo vì người nghèo có nhiều khả năng bỏ thuốc lá, giảm hoặc không bao giờ bắt đầu sử dụng thuốc lá khi thuế và giá tăng cao hơn so với người giàu. Điều này thúc đẩy công bằng y tế và giảm nghèo hóa.

Thuế thuốc lá cao hơn cũng có tác dụng ngăn ngừa và cai nghiện thuốc lá trong giới trẻ - những người có thu nhập hạn chế và có độ nhảy cảm cao với giá cả” – ThS Đào Thế Sơn cho hay.

Theo đánh giá của bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần, tuy nhiên chúng ta cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% số người hút so tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.

Giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với trung bình toàn cầu (Ảnh chụp màn hình)

Báo cáo năm 2021 về chỉ số thuế thuốc lá của Liên minh Phòng, chống thuốc lá Đông Nam Á, giá thuốc lá tại Việt Nam ngày càng rẻ so với thu nhập đầu người, giảm từ 11,4% năm 2000 xuống còn 3,04% năm 2019, điều này có nghĩa là thuốc lá ngày càng rẻ đi so thu nhập của người dân và điều đó cũng là nguyên nhân tăng sức mua thuốc lá.

Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam từng nhận xét: “Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá tiền không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá.

Chúng ta cần thay đổi điều này, và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh tăng thuế tăng, Việt Nam cần chuyển đổi cách tính thuế như hiện nay sang hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua, giảm sử dụng và giảm gánh nặng kinh tế và sức khỏe do thuốc lá.

Tăng mạnh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng sức khỏe và kinh tế do thuốc lá. Việt Nam hiện đang áp dụng loại hình thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm tồn tại nhiều hạn chế. Bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp phù hợp để cải tiến hệ thống thuế và phù hợp xu hướng trên thế giới./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực