Nếu được cấp cứu tại chỗ sẽ giảm 10% nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Thứ sáu, 12/11/2010 14:18

Ngày 11/11, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã diễn ra “Hội thảo quốc tế về chuyên đề cấp cứu trước bệnh viện” với sự tham dự đông đảo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam.

Theo Giáo sư Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam nêu rõ: Cấp cứu trước bệnh viện là một khâu quan trọng nếu làm tốt sẽ có nhiều bệnh nhân, nạn nhân được cứu sống, với chi phí thấp, thiết bị đơn giản nhất. Nếu cấp cứu trước bệnh viện không tốt thì chi phí sẽ đắt lên hàng chục, hàng trăm lần hay hơn nữa, thậm chí nạn nhân bị tử vong. Tuy nhiên có một thực tế hết sức đáng buồn và báo động ngay tại các trung tâm y tế lớn, hàng ngày vẫn phải chứng kiến những ca tử vong hết sức đáng tiếc do không được chăm sóc và sơ cứu và vận chuyển không đúng cách.

Được biết Bệnh viện Việt Đức – nơi tiếp nhận cao nhất bệnh nhân bị tai nạn giao thông: chỉ có từ 5-10% nạn nhân được sơ cứu tại chỗ; một nửa sơ cứu nhưng lại sai kỹ thuật và vận chuyển không an toàn và đáng buồn hơn nạn nhân bị tai nạn giao thông thường bị dập phần mềm, mất máu, gãy xương, sang chấn sọ não...nhưng tới hơn 50% bị vận chuyển bằng xe máy.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy mỗi năm nước ta có từ 11.000-12.0000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Ước tính số lượng nạn nhân bị thương do tai nạn giao thông cần phải sơ cấp cứu lên gần 50.000 người. Nếu Việt Nam nâng cao được năng lực hệ thống cấp cứu tai nạn giao thông thông qua đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cứu dọc đường cấp cứu bệnh nhân kịp thời đúng cách, mỗi năm có thể giảm được 10% số người bị chết do tai nạn giao thông, tương ứng khoảng 1.000 người.

Nguyên nhân, do lực lượng sơ cấp cứu, phương tiện mạng lưới và khả năng đáp ứng với công tác cấp cứu tại hiện trường của chúng ta còn hết sức yếu và thiếu, theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Y tế công cộng, ở Hà Nội vận chuyển bằng xe cứu thương chỉ chiếm 10% ca cấp cứu và 96% nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu bằng xe gắn máy và hơn nữa số ca tai nạn không được xử trí tại hiện trường.... Trong khi đó hệ thống cấp cứu nhi khoa trước bệnh viện cũng hết sức thiếu thốn chưa đáp ứng tốt, hậu quả có tới 0,3% số trẻ cấp cứu đã bị tử vong do cách xử trí ban đầu chưa đúng.

Theo các chuyên gia quốc tế, chưa bao giờ vấn đề xử trí cấp cứu trước bệnh viện lại trở lên bức thiết như bây giờ, nhất là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam phải đối mặt với tai nạn giao thông, tại nạn lao động, cháy nổ, thảm họa môi trường...Vì vậy, việc đầu tư và phát triển mạng lưới cấp cứu mạng trở thành phổ cập cộng đồng, tăng cường thiết bị vận chuyển, phương tiện liên lạc, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế, nhân viên xã hội là hết sức cần thiết để góp phần giảm tỷ lệ tử vong, gánh nặng chi phí y tế, nâng cao chất lượng điều trị./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực