Ngăn chặn lây lan "bệnh sợ trách nhiệm”

Thứ hai, 29/05/2023 19:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại, căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, thụ động, dè chừng, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác.

Chiều 29/5, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) nêu rõ: Đại dịch đi qua, bên cạnh những thắng lợi còn để lại cho chúng ta nhiều điều để bàn, để suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi. Ngay từ đầu chúng ta xác định chống dịch như chống giặc, tinh thần là khẩn trương, huy động mọi nguồn lực bằng mọi biện pháp, chấp nhận cả hy sinh để chiến thắng trong phòng, chống dịch, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu tình huống cần phải quyết định mà không có tiền lệ, cái hợp lý và hợp pháp đan xen nhau, có việc mâu thuẫn nhau nên sau đại dịch đã làm cho tâm trạng xã hội rất nặng nề.

Đại biểu đặt vấn đề: Thứ nhất là việc không hợp lý mà cũng không hợp pháp đang được xử lý như thế nào? Theo đại biểu, đây là vấn đề cử tri rất quan tâm, như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để cách ly đang được Nhân dân rất quan tâm, hiệu ứng tích cực là chúng ta xử lý kiên quyết, dứt khoát đối với những người phạm pháp thuộc thành phần lâu nay được cho là khó chạm đến, đã và đang có sức lan tỏa mạnh, củng cố niềm tin của Đảng trong dân.

Tuy nhiên, đại biểu cho hay, theo dư luận xã hội, vẫn còn đó những nỗi buồn vì tình người, tình đồng chí và đau hơn là số phận, sinh mạng đồng bào và hình ảnh dân tộc, rất cần xử lý vụ án này một cách nghiêm túc, khẩn trương để ổn định dư luận.

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TH. 

Vấn đề thứ hai, đại biểu Trần Văn Sáu nêu rõ, sau khi chống dịch thành công, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quá nhiều cái hợp lý trong thời điểm đó nhưng lại không hợp pháp trong thời điểm này. Chúng ta ứng xử vấn đề này như thế nào?.

Đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, nhiều ví dụ trong phòng, chống dịch, có những quy định nếu áp dụng vào một trường hợp đặc thù tỏ ra rất bất hợp lý, làm theo những điều bất hợp lý thì sẽ không đạt mục tiêu, dù đó là mục tiêu chính đáng, nhưng làm ngược lại thì có nguy cơ đối mặt với quy trách nhiệm do lỗi cố ý làm trái. Sau đại dịch xuất hiện ngày càng nhiều và càng nặng hơn, căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, thụ động, dè chừng, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác.

“Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải quan tâm xem xét nhiều chiều. Nếu pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý, tức là cái hợp lý và hợp pháp song hành mà không áp dụng là vô trách nhiệm. Theo tôi, vấn đề này cần phải loại bỏ ngay”, đại biểu nói.

Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét, làm cho cái hợp pháp thật sự là hợp tình và hợp lý.

Liên quan đến công tác thanh, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho biết, nhiều vi phạm, vướng mắc được xác định do nguyên nhân đại dịch COVID-19 là tình huống chưa có tiền lệ, dịch bệnh bùng phát nhanh; trong khi các quy định pháp luật lại ở trong bối cảnh bình thường.

 Do đó, theo đại biểu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được đặt ở trong bối cảnh, điều kiện xảy ra đại dịch, giữa cái sống và cái chết, tất cả đều tập trung cho phòng, chống dịch.

“Đối với những đối tượng, những trường hợp không có tiêu cực, không có tham nhũng vẫn bị kỷ luật thì chúng ta cũng nên xem xét đối với hoàn cảnh cụ thể để chúng ta đánh giá cho đúng”, đại biểu kiến nghị,

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tình huống đại dịch, đại biểu cho rằng Chính phủ cần xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ khác nhau, để trong tình huống khẩn cấp, vẫn có những quy định, cơ chế rõ ràng, chặt chẽ, qua đó các cơ quan, đơn vị có thể căn cứ vào đó triển khai công việc hiệu quả, hợp lý, hợp tình, hợp pháp, tránh lúng túng trong ứng phó hoặc gặp vướng mắc vì những quy định chưa rõ ràng./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực