Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh: "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ"

Thứ hai, 27/12/2021 23:17
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên khắp thế giới, đẩy lùi nhiều thành quả phát triển kinh tế-xã hội mà cộng đồng quốc tế đạt được trong những năm qua, tác động nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, nhất là ở các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức lễ mít tinh kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12) 

Ngày 27/12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức lễ mít tinh kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12) với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ", dưới hình thức trực tuyến. Đây là năm thứ hai thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Cách đây hơn một năm, do quan ngại sâu sắc trước tác động tàn phá của các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lớn, đặc biệt là trước tình hình đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới và gây ra các hậu quả hết sức nặng nề trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã khởi xướng đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27/12. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng quốc tế khi có tới 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết.

Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên khắp thế giới, đẩy lùi nhiều thành quả phát triển kinh tế-xã hội mà cộng đồng quốc tế đạt được trong những năm qua, tác động nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, nhất là ở các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Đại dịch COVID -19 cũng đã đẩy trên 200 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, đe dọa nhiều hệ thống y tế vốn đã quá tải, phá vỡ nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, sự bất bình đẳng trong tiếp cận chẩn đoán, vaccine và điều trị vẫn là vấn đề nhức nhối của thế giới.

Trong bối cảnh đó, cũng như với đánh giá COVID -19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt, các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park nhấn mạnh, vaccine COVID -19 là cách thức an toàn và hiệu quả trong việc ứng phó với dịch COVID -19. Trong vòng một năm qua, hơn 8,6 tỷ liều vaccine COVID -19 đã được sử dụng. Ông Kidong Park cũng bày tỏ ấn tượng với thành tựu của Việt Nam khi có thể bảo đảm hơn 160 triệu liều vaccine và cung cấp hơn 140 triệu liều vaccine COVID -19 cho người dân đủ điều kiện trong một thời gian ngắn.

Đồng thời, đại diện WHO cảnh báo virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện được gần 2 năm và sẽ tiếp tục lây truyền trong một thời gian nữa. "Mặc dù chúng ta có thể không diệt trừ được virus và khó có thể dự đoán được các kịch bản về đột biến của virus trong tương lai. Nhưng giờ đây, chúng ta biết cách cứu sống tính mạng con người và giải quyết các tác động xấu đến kinh tế-xã hội. Chúng ta nên tiếp tục bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương, người già và những người mắc bệnh nền", ông Kidong Park kêu gọi.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nêu bật ý nghĩa của các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 nhằm nhắc nhở tất cả mọi người về những tác động mà các dịch bệnh đã gây ra, từ đó luôn giữ một nhận thức thường trực về tầm quan trọng của việc đưa nội dung phòng ngừa dịch bệnh vào mọi hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại buổi lễ mít tinh

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, các hoạt động kỷ niệm sẽ cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng mức độ sẵn sàng để có thể ứng phó nhanh hơn và phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể phát sinh. Thế giới thấy rõ hơn sự cấp thiết có các hệ thống y tế hiệu quả, có khả năng tự cường, có thể phục vụ đến cả những người dễ bị tổn thương, có khả năng thực hiện hiệu quả Điều lệ Y tế quốc tế năm 2005.

Thứ trưởng Ngoại giao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với dịch bệnh, của quan hệ hợp tác và đoàn kết giữa mọi cá nhân, cộng đồng và quốc gia cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế trong mọi giai đoạn của quản lý dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ luôn nỗ lực phối hợp với ngành y tế trong tranh thủ nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm của quốc tế ngăn ngừa và ứng phó với các dịch bệnh. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác ngoại giao vaccine. Triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung toàn cầu, thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, trong đó có thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine và điều trị COVID -19, cùng nhau chấm dứt đại dịch và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mỗi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Lễ mít tinh kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước 

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn điểm lại các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 quyết liệt, linh hoạt của Việt Nam trong thời gian qua. Đáng chú ý, Việt Nam đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine COVID -19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.

Nhờ đó, đến ngày 24/12 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine COVID -19 trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam, vượt mục tiêu mà WHO đề ra (40%).

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống dịch COVID -19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều vaccine hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021.

"Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Đề cao tinh thần của Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực