Người thầy thuốc nhân hậu

Thứ sáu, 03/02/2012 10:50

Chúng tôi có dịp về xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Dừng xe bên bờ ruộng, hỏi mấy bác nông dân về lương y Nguyễn Phú Cửu ở thôn Yên Lịch, chúng tôi nhận được những câu trả lời đầy thân ái: Nhà thầy Cửu ngay mặt đường, đoạn có tấm biển hiệu to to; Có phải thầy Cửu hay làm từ thiện và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo được lên ti-vi à?... Với sự chỉ dẫn ân cần của họ, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà lương y Nguyễn Phú Cửu.

 

 Lương y Nguyễn Phú Cửu xem mạch cho người bệnh.

Tiếp chuyện chúng tôi là một bà lão ở độ tuổi ngoài thất tuần, nhưng nom dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn. Hỏi về ông Cửu, bà cười hiền và đáp: Ông nhà tôi đi chữa bệnh cho cụ Trần Văn Bổng 98 tuổi ở thôn An Bình từ sáng sớm. Chắc đến trưa sẽ về.

Sau ba tuần trà lương y Nguyễn Phú Cửu về đến nhà. Biết chúng tôi đợi đã lâu, ông nhẹ nhàng hỏi: Nhà báo chờ tôi lâu chưa? Tôi chữa bệnh cho lão đồng chí Bổng xong, phải ngồi nói chuyện một lát để động viên lão đồng chí về mặt tinh thần. Cùng là đảng viên cao tuổi trong Ðảng bộ nên ngoài trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân thì tôi phải có trách nhiệm với đồng chí của mình. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề thuốc đông y, người đảng viên 41 năm tuổi Ðảng trầm ngâm một lát rồi bắt đầu kể.

Từ năm 1988 đến 1991, đồng chí làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hưng, chuyên sản xuất gạch ngói. Hợp tác xã đang ăn nên làm ra thì đồng chí Cửu bị tai nạn gãy chân. Khi đó tưởng chừng phải cưa chân nhưng nhờ các y bác sĩ tận tình cứu chữa nên chân đồng chí Cửu đã dần bình phục. Vốn là một đảng viên năng động, chịu khó học hỏi nên trong thời gian dưỡng bệnh đồng chí luôn trăn trở suy nghĩ phải làm điều gì đó có ích cho xã hội. Ðể quên đi nỗi đau bệnh tật, đồng chí Cửu đã cố gắng đọc tất cả những cuốn sách đông y gia truyền mà cha ông mình để lại. Càng đọc, đồng chí càng thấm thía các giáo lý về y đức, y thuật và y đạo. Khi sức khỏe đã khá hơn, đồng chí không tham gia công việc của hợp tác xã mà đăng ký học lớp đông y của Sở Y tế tỉnh Hưng Yên. Ngày nhận chứng chỉ tốt nghiệp, việc đầu tiên đồng chí Cửu nghĩ đến là mở một phòng khám bệnh và bốc thuốc. Ý tưởng đó đã được gia đình nhiệt tình ủng hộ. Trải qua gần 20 năm chữa bệnh cho mọi người, đồng chí đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong nghề thuốc đông y. Tiếng lành đồn xa, số người đến phòng khám của đồng chí ngày một đông. Một số người bệnh cao tuổi hoặc có hoàn cảnh khó khăn thường được đồng chí khám và phát thuốc miễn phí.

Không chỉ giỏi y thuật, đồng chí Cửu còn được biết đến là một đảng viên tâm huyết với công tác từ thiện và giỏi làm kinh tế VAC. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại của gia đình rộng hơn một ha bao gồm các loại cây thuốc, cây ăn quả như: nhãn, ổi; ao thả cá, chuồng nuôi nhím, gà... Ước tính, mỗi năm tổng thu nhập từ trang trại của đồng chí là hơn một trăm triệu đồng. Với số tiền này, đồng chí Cửu không giữ lại tất cả cho mình mà trích ra một phần lớn để làm từ thiện và mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Thấu hiểu được tấm lòng nhân hậu của người chồng, người cha mình, vợ và các con của đồng chí luôn hết lòng ủng hộ. Ðồng chí Cửu tâm niệm: "Lương y phải như từ mẫu", chữa bệnh không chỉ chữa bằng thuốc, bằng bấm huyệt và châm cứu mà phải chữa bằng cả cái "tâm" của người làm nghề y. Khi được hỏi về số tiền làm từ thiện, đồng chí Cửu chỉ nhớ từ khi mở phòng khám đến nay đã ủng hộ khoảng hơn một tỷ đồng cho các Quỹ Vì người nghèo, Giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây trường học. Riêng năm 2004 - 2005, đồng chí Cửu đã hỗ trợ xây nhà cho sáu hộ nghèo của tỉnh ở ba huyện Ân Thi, Yên Mỹ, Khoái Châu. Tôi mạnh dạn hỏi: Sao đồng chí không ghi chép lại các địa chỉ đã từng tặng quà? Ðồng chí Cửu cười dí dỏm nói: Ðã có tâm làm từ thiện thì không nên tính toán, mà tôi cũng chẳng có thời gian mà ghi chép lại...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực