Nhiều điểm mới trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế

Thứ tư, 06/12/2023 20:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 có nhiều sửa đổi quan trọng, tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Luật Đấu thầu 2023 sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế. Điểm nhấn của Luật Đấu thầu 2023 là đã dành riêng một Chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, đảm bảo 3 vấn đề lớn tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị và vật tư y tế hiện nay.

Theo phân tích của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thứ nhất, Luật tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ. Luật cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn vay lại từ ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 quy định chi tiết nhiều vấn đề liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL) 

Thứ hai, Luật tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành Y tế. Cụ thể, cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Luật áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm, có số lượng sử dụng ít. Cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể để mua được thiết bị có chất lượng tốt. Cho phép áp dụng đàm phán đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất.

Thứ ba, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó, tức là mô hình “máy đặt, máy mượn”.

Ngoài ra Luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến. Quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Các hình thức được chỉ định thầu trong mua sắm lĩnh vực y tế

Liên quan đến vấn đề "chỉ định thầu" tại Điều 23 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định, hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với các trường hợp: Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;

Tại điểm 3 Điều 23 cũng quy định, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân;

Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

Tại mục 4, Điều 23 cũng quy định việc chỉ định thầu đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Được đàm phán giá trong trường hợp nào?

Tại Điều 28 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định việc "đàm phán giá được áp dụng đối với các gói thầu" gồm: mua biệt dược gốc sinh phẩm tham chiếu; mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ còn 1 hoặc 2 hãng sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc áp dụng hình thức đàm phán giá, ban hành danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.

Về "lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt" tại Điều 29 quy định, việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với các gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật này, bao gồm:

Gói thầu mua thuốc, vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng; Gói thầu mua thuốc, vaccine, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ; Lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế…

Thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này…/.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực