Nhiều ý kiến xung quanh quy định "buộc thôi học 1 tuần vì vi phạm luật giao thông"

Thứ sáu, 11/03/2016 17:35
(ĐCSVN) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch “Tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông tái phạm nhiều lần sẽ bị buộc thôi học 1 tuần đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, về góc độ pháp lý, văn bản này có khá nhiều vấn đề cần xem xét, bởi đây chỉ là một bản Kế hoạch “Tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020”. Bản thân việc thi đua đã mang tính khuyến khích, tự nguyện. Nếu có, chỉ nên có những phần thưởng, lợi ích nếu việc thi đua đó đạt xuất sắc, hay chỉ tiêu. Đối tượng hướng tới không bắt buộc phải tuân theo, không bị xử lý khi không tham gia, vì kế hoạch thi đua không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Trong khi đó, chúng ta thấy nội dung văn bản Kế hoạch này của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa cả chế tài áp dụng đối với các đối tượng học sinh, sinh viên là không phù hợp.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội. Ảnh: TH 


“Như chúng ta biết, để xử lý kỷ luật đối với bất kỳ cá nhân nào thì đầu tiên là phải có căn cứ pháp luật. Mà căn cứ pháp luật bắt buộc phải được thể chế chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật sẽ không được dùng làm căn cứ để xử lý. Bản kế hoạch này không phải là văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ xử lý.

Mặt khác, văn bản này chỉ điều chỉnh trong phạm vi địa bàn Hà Nội, còn các địa phương khác, Kế hoạch thi đua này sẽ được thực hiện như thế nào? Như vậy, vô hình trung đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa học sinh trên địa bàn Hà Nội và các học sinh trên các địa bàn khác trên đất nước Việt Nam. Có thể, cũng với những vi phạm pháp luật về an toàn giao thông tương tự thì học sinh Hà Nội bị đình chỉ học đến 7 ngày, trong khi học sinh ở các địa phương khác lại có thể không bị áp dụng hình thức kỷ luật này” -  Luật sư Nguyễn Thế Truyền giải thích.

Việc vi phạm ATGT thường chỉ xảy ra ngoài cổng trường, lúc này trách nhiệm là của lực lượng chức năng. Chỉ có những người có thẩm quyền mới có quyền áp dụng hình thức xử lý như thế nào đối với hành vi phạm ATGT đó trên cơ sở pháp luật thực định. Một hành vi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý 1 lần.

Nhà trường, cơ sở đào tạo sẽ và chỉ có thể thực hiện đúng chức năng của mình là giáo dục - đào tạo, định hướng, khuyến khích học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn giao thông nói riêng.

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Thế Truyền chia sẻ thêm, việc quy định chế tài trong một kế hoạch thi đua rõ ràng đang đi ngược lại với nguyên tắc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định tại Điều 28 về Trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: “Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm thực hiện giáo dục toàn diện về đạo đức, tri thức, thẩm mỹ, thể chất, giáo dục lao động hướng nghiệp cho trẻ em; chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kim Sơn

Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở cho rằng, vấn nạn giao thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người, trong đó có rất nhiều học sinh. Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông đảo nhất cả nước với 1,7 triệu em; 130.000 cán bộ giáo viên. Nếu việc giáo dục pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng không thực hiện nghiêm túc thì sẽ để lại hệ lụy khôn lường và lâu dài.

Để nâng cao ý thức chấp hành ATGT của học sinh, bên cạnh việc khen thưởng, động viên kịp thời cho các tập thể và cá nhân thực hiện tốt, ngành Giáo dục Thủ đô còn đưa ra các hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm.

Làm rõ cơ sở để văn bản Kế hoạch quy định xử phạt trên, ông Nguyễn Hiệp Thống cho hay, căn cứ để Sở GD&ĐT đưa ra hình thức xử phạt trên dựa vào quy định của Bộ GD&ĐT, Điều lệ trường THPT ban hành năm 2011 theo Thông tư 12, Điều 42 nói rõ các mức xử phạt đối với  học sinh vi phạm pháp luật giao thông. Các hình thức xử phạt đối với học sinh vi phạm pháp luật giao thông cũng được cả Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhiều bậc cha mẹ học sinh ủng hộ…

“Các quy định xử phạt đưa ra trước đây chưa đến mức học sinh bị buộc  đình chỉ học tập, nhưng lần này, Sở cương quyết đưa ra với mục đích răn đe, giáo dục lối sống của học sinh. Việc xử lý kỷ luật bằng cách buộc thôi học 1 tuần đối với những học sinh tái vi phạm giao thông nhiều lần không có nghĩa là đẩy các cháu ra ngoài vỉa hè chơi games. Việc làm này là để gia đình nâng cao ý thức, quan tâm hơn tới giáo dục con em, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý học sinh tốt hơn. Điều này giúp cho học sinh đó nhận thức là mình không được đứng ngoài vòng pháp luật, các em phải tuân thủ pháp luật” – ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.

Ngành GD&ĐT Hà Nội rất mong các cơ quan chức năng, phụ huynh học sinh cùng chung tay vào cuộc. Bởi vì việc giáo dục pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng không chỉ trong hàng rào nhà trường./.

Mỹ Anh - Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực