Những phát hiện chính từ nghiên cứu thị trường và khảo sát người tiêu dùng về sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV bao gồm: bao cao su (BCS), chất bôi trơn, bơm kim tiêm dung tích chết thấp hay còn gọi là bơm kim tiêm đầu đỏ (LDSS) và dịch vụ xét nghiệm HIV (HTS).
Chia sẻ tại hội thảo, ông Mark Breda, Cố vấn kỹ thuật cao cấp, USAID và TS. Kimberly Green, Giám đốc Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên về hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV được thực hiện tại Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ ra nhu cầu của các nhóm đích đối với các sản phẩm và dịch vụ thương mại dự phòng HIV có chất lượng và giá phải chăng. Quan trọng hơn, nghiên cứu có thể giúp Chính phủ hoạch định các chiến lược dự phòng HIV hiệu quả nhất trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ ngày một giảm.
Hội thảo công bố kết quả khảo sát thị trường và người tiêu dùng về sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV: Phát hiện và khuyến nghị. Ảnh: Đỗ Thoa
Được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8/2015, nghiên cứu thị trường đã chỉ ra những phát hiện chính liên quan đến quy mô, giá trị và phân chia thị trường đối với từng loại sản phẩm như BCS, chất bôi trơn, bơm kim tiêm và xét nghiệm chấn đoán nhanh về HIV tại Việt Nam.
Nghiên cứu cũng đã nêu bật thực trạng hiện nay liên quan đến việc sử dụng, mua bán, sở thích và mức độ sẵn sàng chi trả của các nhóm đích bao gồm: người tiêm chích ma túy (PWID), phụ nữ mại dâm (FSW) và nam quan hệ tình dục với nam (MSM) đối với các sản phẩm thương mại như BCS, chất bôi trơn, bơm kim tiêm (BKT) và dịch vụ xét nghiệm HIV (HTS) tại 6 tỉnh thành trọng điểm về HIV là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An và Điện Biên.
Nghiên cứu thị trường cho thấy sự thống trị của BCS nhập khẩu (chiếm trên 90%), và việc đảm bảo chất lượng vẫn đang là vấn đề được quan tâm rất lớn; nhưng vẫn có chỗ cho việc tăng trưởng thị trường hàng năm. Thị trường ngày một tăng đối với các dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh HIV là kết quả tất yếu từ những thay đổi chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng về dịch vụ này. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự ủng hộ về mặt chính sách từ chính phủ đối với việc tăng trưởng thị trường thương mại và sản xuất trong nước cho các sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV.
Liên quan đến khảo sát người tiêu dùng, báo cáo cho thấy tính sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm BCS thương mại của các nhóm đích là cao, đặc biệt là đối với nhóm MSM; phần lớn các nhóm đích (trên 80%) sẵn sàng trả giá cao hơn từ 2 đến 4 lần mức giá của BCS tiếp thị xã hội (1.000 đồng). Tỷ lệ sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV hàng năm vẫn thấp (nhóm PWID chiếm 33,2%, nhóm FSW: 46,8% và nhóm MSM: 52,6%). Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng các nhóm đích, cụ thể là nhóm MSM (55,7%) đã bắt đầu chi trả cho dịch vụ xét nghiệm HIV, và phần lớn các nhóm đích đều sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này với mức giá trung bình của thị trường (50.000 đồng). Nhóm MSM còn sẵn sàng chi trả cao hơn (100.000 đồng). Số liệu này gợi ý rằng khi các nguồn lực dành cho các chương trình về HIV bị hạn chế, chính phủ nên ưu tiên các nhóm quần thể dân cư có nguy cơ cao với điều kiện kinh tế kém hơn, và tăng cường quảng bá các sản phẩm có chất lượng cao cho những người có khả năng và sẵn sàng chi trả.
Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cho chiến lược của Cục Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020 đó là tiếp cận thị trường tổng thể để tận dụng lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của cả khu vực công và tư nhân, đảm bảo tính công bằng và tiếp cận bền vững với các sản phẩm và dịch vụ HIV; Phát triển thị trường BCS thương mại và cung ứng nhu cầu của các nhóm nguy cơ cao bằng các sản phẩm chất lượng và phù hợp với khả năng chi trả.../.
Đỗ Thoa