Nhu cầu ghép tạng lớn nhưng nguồn tạng lại rất hạn chế

Thứ hai, 30/11/2015 16:49
(ĐCSVN) - Nhu cầu về ghép mô, tạng ở nước ta hiện nay rất lớn song số người được ghép lại hạn chế do thiếu mô, tạng. Trong khi đó, nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim đã không được sử dụng. Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta hiện nay và đáp ứng của ngành y tế?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Việt Nam hiện có khoảng hơn 6.000 người đang cần được ghép thận; 300.000 nghìn người mù cần được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng và rất nhiều người cần ghép mô, tạng khác. Riêng Hà Nội và một số thành phố lớn có khoảng 1.500 người suy tim cần ghép.

Ngành y tế đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu ghép tạng.  Đến thời điểm này đã có 15 cơ sở y tế đủ năng lực để thực hiện ghép tạng. Ngay cả một số tỉnh miền núi như Phú Thọ, Thái Nguyên cũng đã có cơ sở y tế ghép được. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với ngành ghép tạng của nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để cấy ghép. Đến ngày 30/9/2015, chúng ta mới thực hiện được 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy. Số lượng người được ghép rất hạn chế do chưa có nhiều người hiến. Nhiều bệnh nhân đã chết trong thời gian chờ ghép, trong khi đó nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. 

 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc Phó Giám đốc Trung tâm
 Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
(Ảnh: An Luých) 


PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc thiếu nguồn tạng hiện nay?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Tại các nước trên thế giới, chủ yếu nguồn tạng lấy từ người chết não (90%) thì ở nước ta, 90% tạng lấy từ người còn sống.  Mỗi năm ở nước ta có khoảng 10.000 người bị chết vì tai nạn giao thông (số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia). Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), mỗi năm có khoảng 1.000 đến 1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não. Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng xấp xỉ 1.000 ca… Nếu trong số những người bị tai nạn giao thông đó, chỉ cần 10% đăng ký hiến tạng và 10% số người đăng ký đó hiến tạng sau khi chết não, chúng ta đã có thêm rất nhiều tạng để cứu chữa bệnh nhân. Một người chết não hiến thận có thể cứu chữa được cho 2 bệnh nhân  suy thận…

Người chết não có thể hiến tặng được mô và tạng để cứu được nhiều người nhất vì não đã chết nhưng tim vẫn còn đập, vẫn cung cấp đủ máu đến nuôi dưỡng các mô và cơ quan (ngoại trừ não) trong vòng 24-48 giờ trước khi ngừng tim thật sự. Do đó sẽ có đủ thời gian chuẩn bị để tiếp nhận mô và cơ quan của người hiến tặng tạng tốt hơn, giúp sự phục hồi của mô và cơ quan hiến sau khi ghép sẽ tốt hơn.

Kể từ ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện vào ngày 8/5/2010 đến nay, sau khi đã vận động gia đình của hàng nghìn ca chết não cũng mới chỉ có 19 trường hợp được gia đình chấp thuận hiến tạng.

PV: Theo ông, vì sao việc hiến mô, tạng ở nước ta lại hạn chế như vậy?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Theo tôi, có hai rào cản chính khiến việc hiến mô, tạng ở nước ta vẫn chưa mang tính phổ biến và chưa được nhiều người chấp nhận.

Một là người dân chưa hiểu về chết não, người ta vẫn nghĩ rằng chết não vẫn còn có thể cứu sống được. Nhưng trên thực tế,  một người chết não sẽ không thể sống lại được, người chết não chỉ có thể duy trì một thời gian nhất định thông qua máy móc thiết bị y tế đặc biệt.

Rào cản thứ hai là nhận thức chưa đầy đủ về cái chết toàn thây. Đây là vấn đề quan niệm tâm linh đã ăn sâu trong suy nghĩ  của nhiều người. Nhưng qua tìm hiểu của cá nhân tôi, qua chia sẻ của nhiều chức sắc tôn giáo, có thể khẳng định, không có tôn giáo nào phản đối việc hiến mô, tạng sau khi chết, ngược lại họ đều ủng hộ việc hiến mô, tạng không vụ lợi, đó là nghĩa cử  cứu giúp người rất cao đẹp, phù hợp với giáo lý tôn giáo.

Đối với Phật giáo, ghép tạng, hiến tạng cho những bệnh nhân hiểm nghèo là một việc làm rất phù hợp, mang cái hạnh từ bi của Phật giáo. Tôi đã tiếp không ít nhà tu hành tới đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Tại Ninh Bình, một số linh mục đã đăng ký hiến giác mạc khi qua đời và tích cực vận động giáo dân hiến tặng giác mạc. Đến nay, Ninh Bình đã có hơn 200 người hiến tặng giác mạc, đa số là người theo đạo Công giáo.

Như vậy, để việc hiến mô, tạng ở nước ta trở nên phổ biến, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, bền bỉ của cơ quan truyền thông để người dân hiểu rõ hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp không vụ lợi, là hành động cứu người, rất phù hợp với giáo lý tôn giáo. Khi ra đi, một phần cơ thể mình vẫn có thể cứu giúp được người khác, đem đến niềm vui cho nhiều người ở lại.

PV: Ông có thể chia sẻ về những trường hợp cụ thể đăng ký hiến mô, tạng?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Vài tuần trước,  tôi tiếp đôi vợ chồng làm việc tại cơ quan nhà nước cấp trung ương, họ chọn đúng ngày kỷ niệm 16 năm ngày cưới để đăng ký hiến tạng. Có lẽ, muốn nhân lên hạnh phúc bền lâu bằng việc làm thiết thực có ích cho đời.

Trước đó, một cô  gái rất trẻ ở Hải Phòng đến đăng ký hiến một quả thận cho bất kỳ người nào phù hợp.  Khi biết cần phải có tiền để xét nghiệm y tế xem có đủ điều kiện hiến tặng hay không, cô gái đã trở lại Hải Phòng mua bảo hiểm y tế và cùng chồng lên Hà Nội lần 2 nghe tư vấn, đăng ký hiến tặng.

Một trường hợp khác cũng rất xúc động, một cụ già ở Hà Nội đến Trung tâm, nói với chúng tôi, muốn hiến tặng một bộ phận trên cơ thể sau khi qua đời. Tạng của cụ không còn hiến được nữa, cụ mong muốn hiến giác mạc…

PV: Vậy, ông đã đăng ký hiến tặng mô, tạng chưa?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Bản thân tôi đã tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng  sau khi qua đời hoặc chết não từ năm 2014 mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đăng ký hiến tặng mô, tạng từ năm 2013. Tôi hình dung, lỡ một ngày nào đó mình không còn sống nhưng đôi mắt của mình vẫn còn ở lại thế gian và vẫn nhìn được cảnh vật, trái tim mình vẫn đập thổn thức trong lồng ngực của ai đó thì  hạnh phúc biết bao. Có lẽ đây là cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời.

PV: Ông có thể hướng dẫn người dân đăng ký hiến tặng mô, quyền lợi mà họ được hưởng?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Người dân có thể đăng ký và nhận được tư vấn trực tiếp tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc tại những cơ sở y tế đủ điều kiện như các bệnh viện: Việt Đức (Hà Nội), Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh); Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên… Dù đăng ký và hiến tại cơ sở nào thì cũng sẽ được chuyển thông tin đăng ký về Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Trung tâm sẽ mã hóa bảo mật và điều phối tới người cần ghép đã đăng ký theo sự ưu tiên quy định, đảm bảo công bằng trong hiến và ghép mô, tạng. Danh sách người đăng ký ghép mô, tạng cũng được cập nhật thường xuyên về Trung tâm.  

Hiến tặng mô, tạng là việc làm tự nguyện không vụ lợi mang tính nhân đạo, pháp luật nghiêm cấm mua bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người. Vì vậy, ngành y tế đã tri ân người hiến mô, tạng bằng những hành động cụ thể như tặng thẻ bảo hiểm y tế suốt đời, tặng kỷ niệm chương, bằng khen cho người hiến hoặc gia đình người hiến; người hiến và thân nhân họ được ưu tiên ghép mô, tạng nếu không may bị bệnh cần phải ghép mô, tạng.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

An Luých (thực hiện)

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực