Những chiến binh áo trắng!

Thứ bảy, 04/04/2020 00:55
(ĐCSVN) – Hối hả, vội vàng, khuôn mặt in hằn vết khẩu trang… là hình ảnh đẹp và đầy xúc động của những người lính áo trắng khi dịch bệnh COVID-19 đang bước vào giai đoạn cam go, phức tạp.
 
BS Nguyễn Hồng Hạnh mua thuốc gửi về địa phương giúp người bệnh. (Ảnh: BL) 

Trắng đêm chống dịch

Hơn 3 tháng qua, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam, những người công tác trong ngành y chưa bao giờ hết bận rộn. Nửa đêm hay tờ mờ sáng, bất kể giờ nào họ đều kịp thời có mặt ở những nơi tuyến đầu chống dịch.

Có mặt tại Bệnh viện E (Hà Nội) những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những người lính áo trắng. Trong những ngày này, hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện (BV) vẫn diễn ra bình thường, chỉ khác là các y, bác sĩ và điều dưỡng nơi đây ai cũng hối hả, tất bất hơn.

Đi vào bên trong phòng cấp cứu dành cho bệnh nhân, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, quên giờ ăn, nghỉ của các bác sĩ, điều dưỡng. Trên bàn làm việc của mỗi người luôn sẵn sàng những chai nước sát khuẩn tay, khẩu trang và đồ bảo hộ sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân đến khám.

Chia sẻ với chúng tôi về công việc tại đây, bác sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Khoa Khám bệnh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết: Bình thường các bác sĩ nơi đây đã rất bận, nhưng trong mùa dịch này càng bận hơn. Hàng ngày tất cả các y, bác sĩ, điều dưỡng tiếp điều trị cho các bệnh nhân cũ và nhiều ca cấp cứu mới. Bên cạnh công tác chuyên môn, bác sĩ, điều dưỡng còn kiêm thêm nhiệm vụ trực, đo thân nhiệt, nhắc nhở, hướng cho bệnh nhân và người nhà đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng khi ra vào BV… "Không quản giờ giấc, dù ngày hay đêm, chúng tôi chia nhau thành 3 ca, từ 6 giờ sáng cho tới đêm và người trực ca đêm”, BS Hạnh chia sẻ.

Không chỉ khám chữa bệnh hàng ngày, tranh thủ những lúc được nghỉ nhanh chớp nhoáng, BS Hạnh lại ra phòng thuốc của BV mua thuốc gửi về các tỉnh cho những bệnh nhân đang điều trị ngoại trú.

Theo Bác sĩ Hạnh, đây là những bệnh nhân thuộc diện khám bảo hiểm hàng tháng. Nhưng vì đang trong mùa dịch bệnh phức tạp, hạn chế đi lại nên họ thường điện thoại tư vấn qua bác sĩ và nhờ mua thuốc gửi về địa phương để điều trị tại nhà. Bận rộn, vất vả là thế nhưng mỗi khi nhận được những cuộc điện thoại từ xa của bệnh nhân muốn tư vấn điều trị bệnh về bệnh, BS Hạnh vẫn dành thời gian hướng dẫn họ nhiệt tình như người thân trong gia đình.

Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện E chia nhau trực ngày lẫn đêm. (Ảnh: BL) 

Dù công việc nhiều hơn, tất bật hơn nhưng các y, bác sĩ nơi đây rất vui vì được góp chút công sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng. Tuy nhiên cũng có lúc họ gặp không ít khó khăn, cần phải bình tĩnh, khắc phục. ”Trong quá trình điều trị, đôi khi chúng tôi vẫn gặp phải sự phản kháng, không hợp tác của bệnh nhân và người nhà. Nhiều người nhà bệnh nhân thời gian đầu họ không đeo khẩu trang, vẫn phải nhắc nhiều. Ngay cả việc đo thân nhiệt mỗi khi ra vào, nhiều người cũng tỏ vẻ khó chịu. Hay những lúc mang cho họ khẩu trang, sát khuẩn tay…họ cũng sợ và kỳ thị luôn chúng tôi. Họ sợ bác sĩ chúng tôi tiếp xúc nhiều với bệnh nhân rồi lại lây sang họ… Khó khăn vất vả là vậy nhưng ai cũng phải cố gắng hết sức và niềm nở hơn để giải thích cho họ hiểu”, BS Hạnh chia sẻ.

Đến Bệnh viện E những ngày này, ai cũng hối hả, tất bật với nhiệm vụ của mình. Từ các vị trí tiếp đón sàng lọc, các điều dưỡng, bác sĩ trong ca trực luôn sẵn sàng với tinh thần trách nhiệm làm việc rất cao. Thậm chí, ngay cả các bác bảo vệ đến người trông giữ xe không ai rời vị trí, chủ động nhắc nhở người nhà người bệnh thực hiện các bước sàng lọc như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang...Tất cả những việc làm đó xuất phát từ ý thức, trách nhiệm vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của cộng đồng và của chính bản thân mình.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E, thực hiện đúng theo tinh thân của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc” và chỉ đạo của UBND TP Hà Nôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh tại đây, trong thời gian này bệnh viện (BV) đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với tất cả người ra vào BV; yêu cầu người ra vào phải qua cửa an ninh để kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, dịch tễ…

Đặc biệt, tại các điểm chốt chặn, ngay từ ngoài cổng chính và các điểm vào của các khoa của tòa nhà BV đều bố trí nhân viên y tế thực hiện đo thân nhiệt cho người bệnh và người nhà người bệnh, hướng dẫn và nhắc nhở mọi người phải sát khuẩn tay nhanh đúng 6 bước theo quy định mỗi khi ra vào thang máy, khuyến khích mọi người sử dụng thang bộ…

“Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thực hiện chặt chẽ hơn, như giới hạn người ra vào viện chăm sóc bệnh nhân, hạn chế tối đa việc bệnh nhân nằm viện khi không cần thiết; khoanh vùng các dịch vụ cung ứng vật tư, thực phẩm cho BV. Ngoài ra, BV còn chú trọng tăng cường tuyên truyền cho toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế, kể cả người chăm sóc bệnh nhân, đến nhân viên vệ sinh trong BV về các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết.

Cũng theo GS.TS Lê Ngọc Thành, trong đợt dịch COVID-19, nhiều người ngại đi khám bệnh vì sợ đến chỗ đông người sẽ bị lây nhiễm. Một giải pháp nữa sẽ được BV triển khai kịp thời là thực hiện các dịch vụ khám – chữa bệnh, tư vấn trực tuyến, để tiến tới triển khai khám theo giờ, tránh quá tải, tập trung quá đông tại BV vào cùng một thời điểm.

Làm việc không quản ngày đêm. (Ảnh: BL) 

Vượt qua thử thách

Dịch COVID-19 vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp. Song hành với trận chiến dài hơi này là cuộc đua thầm lặng, dũng cảm của đội ngũ nhân viên y tế với hi vọng giành giật sự sống cho người bệnh...Những hình ảnh đẹp đó có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều BV, trung tâm y tế trên khắp địa bàn thủ đô Hà Nội.

Trong những ngày này, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang là tuyến đầu trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Với đặc thù của một cơ sở y tế tuyến đầu về bệnh truyền nhiễm, công việc quá tải vào lúc đỉnh dịch bùng phát là điều đã quá quen thuộc với người lính áo trắng nơi đây.

Theo các bác sĩ của BV, trong guồng quay của dịch bệnh, bác sĩ, y tá và những người phục vụ không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà họ còn phải chịu một áp lực lớn đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng. Bên cạnh đó, họ phải luôn hi sinh tình cảm cá nhân, gia đình vì công việc. Đối với các bác sĩ đã nhiều năm công tác ở BV Bệnh Nhiệt đới thì điều này đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, với nhiều bác sĩ trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng.

Là người mới lập gia đình chưa được bao lâu, BS Bá Đình Thắng, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên phải xa gia đình để túc trực hỗ trợ đồng nghiệp tại BV.

BS Thắng cho biết, điều may mắn là anh có người vợ biết thông cảm và thấu hiểu cho công việc của mình. Chính điều ấy là động lực, hậu phương vững chắc để anh từng giờ, từng ngày chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, cùng các đồng nghiệp nỗ lực chống dịch.

Chia sẻ thêm về công việc trong mùa dịch, BS Thắng cho hay: Công việc hàng ngày của chúng tôi thường xuyên đến thăm khám đánh giá tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, đánh giá các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng cụ thể cho bệnh nhân. Ngay cả chế độ dinh dưỡng, ăn uống trong thời gian bệnh nhân đang nằm điều trị ở phòng cách ly cũng được lưu ý.

Công việc trực cấp cứu vốn đã nặng, áp lực, vất vả từ trước, tuy nhiên trong đợt dịch này, các y bác sĩ nơi đây còn phải đảm nhận công việc phân loại nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, cách ly, hay bệnh nhân xuất viện nên trách nhiệm nặng nề hơn so với ngày thường. Thời gian làm việc của họ cũng thất thường hơn. Dù vậy, họ luôn sẵn sàng trong tư thế đón nhận các ca bệnh.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tất cả đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng của Khoa luôn sẵn sàng tinh thần cùng nhau chiến đấu chống dịch, chuẩn bị các trang thiết bị, phòng ốc cho bệnh nhân nằm cách ly để theo dõi”, BS Thắng chia sẻ.

BS Bá Đình Thắng chia sẻ về công việc trrong mùa dịch. (Ảnh: BL) 

Trường hợp nữ điều dưỡng Trần Thị Toàn, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cũng là một ví dụ điển hình. Là 1 trong những người được Ban lãnh đạo BV phân công theo dõi, chăm sóc các ca bệnh, dù đang trong chế độ thai sản, con nhỏ nhưng chị Toàn cũng không quản ngại khó khăn, vất vả và có thể là nguy hiểm để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Điều dưỡng Toàn cho biết, một ca trực trong những ngày dịch này gồm một bác sĩ chính và 3 điều dưỡng, kéo dài 6-12 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, trong thời gian này, bệnh viện tiếp nhận khá đông bệnh nhân đến thăm khám, sàng lọc, kiểm tra sức khoẻ, dễ dẫn đến quá tải, lây nhiễm chéo.

Vất vả là thế nhưng chị Toàn vẫn không nề hà khi được giao nhiệm vụ. Trong những ngày làm việc ở “tâm dịch”, điều dưỡng Toàn cho hay, chị thường xuyên phổ biến kiến thức, đồng thời theo dõi và giám sát theo dõi tình hình sức khoẻ của các cá nhân trong gia đình.

Chị Toàn cũng chia sẻ, bản thân mình là một điều dưỡng, là người chống dịch nên phải bảo vệ chính bản thân, cũng như cứu sống được những người khác.

Đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày này, trong sự tất bật vất vả của các y, bác sĩ vẫn ánh lên những niềm vui. Họ vui vì bên cạnh việc tiếp nhận những ca bệnh mới, hàng ngày BV vẫn được công bố các bệnh nhân mắc COVID-19 ổn định sức khoẻ, được ra viện. Đó là niềm vui vô bờ bến của những người thầy thuốc.

Theo TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để người dân hoàn toàn tin tưởng, yên tâm chữa bệnh, BV đang sử dụng tất cả những trang thiết bị, thuốc tốt nhất để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. “Chúng tôi vừa áp dụng phác đồ nền của Bộ Y tế vừa áp dụng các phác đồ đang nghiên cứu với các nước đã áp dụng để đưa vào Việt Nam một cách triệt để. Trong số các bệnh nhân trong đợt này, có một số bệnh nhân khi bắt đầu có diễn biến nặng là chúng tôi đã kịp thời điều trị ngay, do đã có kinh nghiệm từ đợt đầu của dịch", TS. Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn nhiều cam go, khốc liệt và những nhân viên y tế, điều dưỡng, hậu cần ...trong khu cách ly vẫn tất bật hàng ngày hàng giờ phục vụ hết mình vì người bệnh. Họ chỉ tranh thủ những giây phút hiếm hoi để chợp mắt, thậm chí đắp ngang người tấm chiếu đơn để có giấc ngủ chập chờn sau ca làm việc thâu đêm. Hay những bữa cơm vội, đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, mệt mỏi… họ vẫn đang ngày đêm căng mình chống lại cơn bão COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Dịch bệnh là thử thách đồng thời cũng là cơ hội để những người lính áo trắng thể hiện trách nhiệm của mình với nhân dân. “Lương y như từ mẫu”, nơi dịch bệnh hiểm nguy cũng là nơi mọi người chạy đi thì những con người “phi thường” mang trong mình một sứ mệnh cao cả sẽ chạy đến.. Và trên mảnh đất hình chữ S này, vẫn còn vô vàn những người con như thế - thầm lặng, hi sinh vì sức khỏe cộng đồng./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực